Với mục tiêu đặt ra là tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội; thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức khám phá, vui chơi giải trí, đủ sức hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.
Theo đề án, trước tiên, từ nay đến năm 2021, các bảo tàng được xác định sẽ đầu tư đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động. Trong đó, tập trung nâng chất công tác trưng bày; đẩy mạnh ứng dụtng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách là học sinh, sinh viên…
Sở dĩ câu chuyện “cải cách” bảo tàng được dư luận đón nhận một cách đầy phấn khích là do lâu nay hoạt động bảo tàng ở ta là một quan niệm gắn liền với cơ sở vật chấp chắp vá, xuống cấp, tư duy làm bảo tàng theo lối cũ, chính sách còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng lạc hậu kéo dài. Thực tế, phần lớn các bảo tàng trong nước từ trước đến nay vẫn hoạt động theo phương thức “truyền thống”, nội dung nghèo nàn, hình thức trưng bày vừa trùng lặp vừa khô cứng, nhàm chán, chung quy là còn một khoảng cách khá xa so với các bảo tàng bạn trong khu vực. Các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng, được ví như nguồn oxy hít thở mỗi ngày, tiếp thêm sự sống cho bảo tàng, lâu nay lại bị bỏ quên, chẳng mấy nơi mặn mà. Quá nhiều yếu tố cộng hưởng đã khiến ngành bảo tàng gần như bị đặt vào tình thế trì trệ, thiếu sức sống.
Một trong những nguồn góp phần không nhỏ nuôi sống bảo tàng lâu nay là nhờ vào nguồn khách du lịch trong và ngoài nước, nguồn khách tham quan từ các đơn vị dịch vụ lữ hành đưa đến. Nhưng, phàm những gì phải lệ thuộc vào người khác cũng đều chịu không ít thị phi. Câu chuyện về bảo tàng đối mặt với muôn vàn khó khăn, những người làm nghề không nói ra thì ai cũng hiểu - muốn làm dịch vụ thì bao thủ tục nhiêu khê, còn bị nhiều nơi “dòm ngó”, “kềm kẹp”; muốn trang bị hiện đại nhưng lại không có kinh phí; muốn có nhiều khách tham quan thì không được làm anh du lịch phiền lòng… Nói lên một thực tế để hiểu ngành bảo tàng phải gồng mình cỡ nào trong xu thế hội nhập, khi mà đồng nghiệp các nước đều được đầu tư hiện đại và tiến một bước rất xa.
Bảo tàng Cố Cung, còn gọi là Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc được đánh giá thu hút khách du lịch nhiều nhất thế giới ở châu Á. Năm 2018, chỉ riêng Cố Cung đã đón trên 17 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, 40% tổng số lượng khách du lịch đến Cố Cung ở độ tuổi dưới 30, 24% thuộc nhóm từ 30 đến 40 tuổi. Con số trên phản ảnh rõ là di tích này đang hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách trẻ sau khi đầu tư mở rộng chương trình số hóa và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Thậm chí năm 2019, Ban quản lý Cố Cung buộc phải thực hiện… giới hạn khách tham quan ở mức không quá 80.000 người/ngày trong vòng 76 ngày để thực hiện kế hoạch bảo tồn di tích!... Năm 2018, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Met) tại New York, Mỹ tiếp tục xác lập kỷ lục mới về lượng khách tham quan khi đón 7,4 triệu lượt khách, tăng 5,1% so với kỷ lục năm 2017. Lượng khách tăng mạnh được đánh giá chủ yếu do sức hút của sự kiện Met Gala 2018 chủ đề “Heavenly Bodies”, một triển lãm độc đáo khai thác những mối liên hệ giữa thời trang và Giáo hội Công giáo La Mã. Ngoài ra, việc triển lãm các tác phẩm của Michelangelo và David Hockney cũng góp phần giúp địa điểm này hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Dẫu trước đó, người ta lo ngại sự thay đổi lớn về chính sách giá vé: khách tham quan là cư dân ngoài New York phải trả phí cố định (vé vào cửa 25 USD/vé/lượt) khi vào bảo tàng thay vì trả tùy tâm như chính sách truyền thống trước đó.
Một con số ấn tượng khác là Bảo tàng Louvre ở Pháp, nổi tiếng bậc nhất thế giới, đã đón hơn 10,2 triệu lượt khách tham quan trong năm 2018, tăng 25% so với năm trước, là con số thật sự gây sốc. Sự hồi phục mạnh mẽ từ ngành công nghiệp không khói của Paris hoa lệ đã xóa tan bóng mây đen ảm đạm trước đó- lượng khách tham quan và cả doanh thu sụt giảm thảm hại sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Giám đốc Bảo tàng Louvre thừa nhận, thành công này một phần lớn nhờ vào… Beyonce và Jay Z! Số là cặp đôi quyền lực của làng nhạc pop thế giới này đã tung ra video ca nhạc ăn khách mang tên “Apeshit” lấy bối cảnh bên trong Bảo tàng Louvre. Ngay lập tức, video của Beyonce với hậu cảnh là kiệt tác Mona Lisa và nhiều tác phẩm nghệ thuật đắt giá khác đã thu hút trên 147 triệu lượt xem trên YouTube. Điều này đã truyền cảm hứng cho Ban quản lý bảo tàng cấp tốc thiết kế riêng một chương trình tham quan đặc biệt: đưa du khách tới thưởng lãm 17 bức tranh và tác phẩm điêu khắc đã xuất hiện trong ca khúc của nữ ca sĩ da màu. Dĩ nhiên trước đó, tình hình chưa mấy cải thiện khi Louvre đã phải chi đến 60 triệu USD để sửa sang các khu vực tiếp đón du khách và nâng cấp hệ thống mua vé tham quan.
Trở lại với đề án, để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các đối tượng công chúng, đổi mới là việc vô cùng cần thiết. Cùng với sự đầu tư kinh phí, trang bị hiện đại từ nhà nước, bảo tàng tự thân còn phải linh hoạt, không ngừng nâng chất các hoạt động dịch vụ. Và không quên chìa khóa của vấn đề, đó là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vận hành- yếu tố mà bấy lâu nay chúng ta chưa từng quan tâm đúng mực.
Nói gì thì nói, chúng ta kỳ vọng đề án đổi mới hoạt động bảo tàng lần này, bởi dù muộn vẫn còn hơn không!