Theo đó, với những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra lâu nay trong Luật Đất đai 2013 thì việc thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp và đảm bảo các mục tiêu đề ra là thách thức không nhỏ.
Trước hết, cần gỡ bỏ các rào cản “cứng” nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp và thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất.
Việc xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân nhỏ, các nhóm yếu thế.
Các chuyên gia cũng đề xuất, để hình thành được thị trường mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp (mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất là điều kiện tiên quyết), cần sửa đổi Điều 62 Luật Đất đai 2013, hạn chế các trường hợp thu hồi đất và cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; rà soát lại và điều chỉnh quy định về các trường hợp không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp từ Điều 76 đến Điều 78 nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng đi thuê lại, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất… Bên cạnh đó là các giải pháp, đầu tư để đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế, tạo việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản.
Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này gần đây đã chỉ ra rằng, ở không ít vùng quê đã có tình trạng người dân bỏ hoang đất nông nghiệp, không chỉ với đất “chân tre bờ giậu” (nhiều chuột bọ, khó canh tác, năng suất thấp) mà cả với đất “bờ xôi ruộng mật”.
Chẳng hạn như tại xã Liên Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), rất nhiều nhân khẩu có suất đất ruộng nhưng hiện không còn ở xã. Đất của những người này thường được cho các hộ khác ở xã mượn không mất tiền để canh tác. Tâm lý của người dân là sợ bỏ hoang đất sẽ bị thu hồi, do đó, dù đã đi làm ăn xa, họ vẫn “nhờ” người khác canh tác và giữ hộ ruộng cho mình.
Trong khi đó, một số hộ gia đình có mong muốn tập trung ruộng đất để sản xuất lớn thì lại gặp khó khăn khi không thể cùng lúc thỏa thuận với nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ.
Để giải bài toán trên, đòn bẩy tài chính là rất cần thiết.
Theo đó, Nhà nước cần thay đổi hình thức định giá đất trong Luật Đất đai 2013, hướng tới bãi bỏ khung giá đất do Nhà nước ban hành; hướng dẫn quy trình và nguyên tắc để đảm bảo việc định giá đất theo thị trường, có cơ chế chia sẻ lợi ích gia tăng của đất đai giữa nhà đầu tư, Nhà nước và cộng đồng có đất bị thu hồi (trong trường hợp này là đất nông nghiệp).
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa tình trạng thay đổi mục đích sử dụng đất, các quy định về cách thức lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần thay đổi theo hướng hài hòa giữa các chỉ tiêu vĩ mô với nhu cầu linh hoạt của người sử dụng đất.
Cụ thể, cần quy hoạch “cứng” với các loại đất cần bảo vệ chặt chẽ (như: đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất lúa) và cho phép sự linh hoạt chuyển đổi trong phạm vi các loại đất khác; bổ sung các chế tài để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai đúng mục đích…
Thực tế cho thấy, nếu không sớm có các chính sách phù hợp thì nguồn lực đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị lãng phí bởi nghịch lý “chỗ cần không có, chỗ có không dùng”, còn bản thân trụ cột nông nghiệp thì vẫn ì ạch, không thể tăng năng suất. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 chính là cơ hội cho sự thay đổi này.