Ngày bé, mỗi lần mất điện, mấy anh chị em lại ra bờ đê ngồi. Từ những bụi cây xấu hổ rậm rạp, những đốm sáng nhỏ bay lên. Là đom đóm! Bất chợt, có tiếng xe máy. Tôi thấy bầy đom đóm bay loạn xạ. Bà kể rằng chúng sợ ánh sáng. Con người khi ở giữa đám đông huyên náo, nhưng chẳng biết bày tỏ cùng ai, sẽ thu mình lại, nương náu trong cái vỏ ốc cô độc. Đó là lúc chúng ta đang sợ hãi, cô đơn vốn dĩ là một nỗi sợ dai dẳng.
Hồi nhỏ, tôi luôn ước được ở nhà một mình. Lúc đó, sẽ được nghịch tất cả những trò vui mà bao lâu nay một đứa trẻ hiếu động có thể ấp ủ trong đầu. Thế rồi, cơ hội cũng đến trong một lần cả nhà về quê ăn giỗ. Cả căn nhà rộng lớn thành thế giới của riêng tôi. Chỉ có một mình, tôi thỏa thuê dùng chăn màn giả làm váy áo cho công chúa mà không sợ ai cười nhạo. Nhưng chỉ chơi được một lúc là thấy chán, trẻ con mà. Đó là lần đầu tiên tôi biết sợ hãi trước cô đơn.
Những ngày đầu trở thành sinh viên đại học, tôi rất sợ chiều tà, sợ mưa. Chúng làm tôi nhớ nhà khủng khiếp. Tôi tránh gọi điện về quê những lúc trời nhá nhem, bởi sợ mình sẽ rơi nước mắt. Trưởng thành buộc con người ta phải độc lập, tự đi những bước đầu tiên mà không có người thân bên cạnh. Càng lớn, con người càng cô đơn, vì luôn có những nỗi niềm riêng không thể nói. Chúng ta sợ bị phán xét, sợ bị cười chê, những hoang mang trong tưởng tượng cứ lớn dần lên. Còn đâu cái thời ngây ngô như đứa trẻ, ý nghĩ trong đầu với lời nói trên môi dường như là một. Để né tránh tất cả, im lặng trở thành sự lựa chọn hữu ích. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Cô đơn có lẽ chỉ tồn tại trong chốc lát”. Đã bao lần ta tự an ủi mình như vậy?
Tôi có một cô bạn rất thân. Ngày nhỏ, chúng tôi lúc nào cũng ở bên nhau, như hình với bóng. Thế rồi, đến khi làm người lớn, hai đứa đi hai con đường khác nhau, ở hai thành phố cách nhau cả ngàn cây số. Có những lần, tôi buồn quá, liền gọi cho cô bạn, cô chỉ trả lời qua loa rồi cúp máy để làm báo cáo. Đôi lúc, tôi nghe thấy giọng nói bất an ở phương xa, nhưng vì một cuộc gọi của khách hàng nên đành nói lời tạm biệt chóng vánh…
Cuộc sống của cả hai đã bị lấp đầy bởi những bộn bề, lo toan của hiện tại. Ngồi ríu ran bên nhau trò chuyện vài tiếng đồng hồ đã trở thành điều xa xỉ. Đã thế, ai rồi cũng khác. Bạn tôi chẳng còn là bé gái hậu đậu, vụng về ngày nào. Giờ đây, cô đã là một người vợ, người mẹ đảm đang, khéo léo. Tôi cũng trầm tư hơn trước, chẳng mấy khi nói đùa. Thay bằng tràng cười giòn tan, vô tư lự là một nụ cười mím chi, đầy cơ học, có thể xuất hiện trên gương mặt bất cứ lúc nào.
Những khác biệt làm cho chúng tôi trở nên xa cách. Mỗi dịp lễ tết, gặp nhau ở quê nhà, cái cảm giác thân thuộc của thời ấu thơ đã không còn nữa. Chúng tôi không thể ngồi xuống bên nhau, thầm thì những bí mật. Có chăng, giữa hai đứa lúc này là đôi ba câu thăm hỏi thường nhật. Thế giới của tôi là công việc, những dự định còn dang dở. Thế giới của cô là bé con ngoan ngoãn, những bữa cơm ấm áp bên gia đình.
Tôi tự hỏi, đã có bao nhiêu người dần rời xa tôi như cô bạn ấy. Họ rời xa tôi, hay tôi rời xa họ? Có lẽ là cả hai… Trưởng thành, ta học cách kết nối với những điều xa lạ và mất dần sự gắn bó với những thứ quen thuộc. Trong cái chông chênh đó, cô đơn đến thật tự nhiên.