
Sau khi báo SGGP ngày 5-7-2005 có đăng bài Quy định mới trong dự thảo Luật đăng ký bất động sản- “giấy xanh” sẽ thay thế “sổ đỏ”, “sổ hồng”, trang Bạn đọc Báo SGGP đã nhận được một số góp ý của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Người dân lo ngại thủ tục sẽ phiền hà, nhiêu khê khi thay đổi liên tục giấy sở hữu nhà đất.
Đang thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở (SHNƠ) và quyền sử dụng đất ở (SDĐƠ) theo Nghị định 60/ CP rất gọn nhẹ, Chính phủ có thay đổi thực hiện đăng ký quyền SDĐƠ theo Nghị định 181/ CP, theo đó trên giấy này có ghi nhận tài sản (nhà ở) trên đất.
Thấy chưa phù hợp, ngày 12-5-2005, Thủ tướng Chính phủ có Thông báo số 93/TB-VPCP, ngoài giấy chứng nhận quyền SDĐƠ, cần phải có giấy chứng nhận quyền SHNƠ. Điều này có nghĩa, từ một nay được tách ra làm 2 giấy: giấy đỏ (SDĐƠ) và giấy hồng (SHNƠ).
Mới đây, tôi nhớ trên trang Bạn đọc Báo SGGP có bài viết: “Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà: Chính quyền và người dân cùng… chờ”, cho thấy hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đang chờ Chính phủ ban hành nghị định về việc cấp giấy chứng nhận quyền SHN và trong khi chờ, Sở Xây dựng TP có dự thảo thực hiện nghị định này để các quận huyện góp ý.
Trong khi nghị định về cấp giấy chứng nhận quyền SHN chưa được ban hành, nay lại thấy dự thảo về Luật đăng ký bất động sản, theo đó một khi được thông qua, giấy xanh – đăng ký bất động sản – gồm nhà và đất sẽ thay thế luôn giấy đỏ và giấy hồng hiện nay. Một giấy rồi… hai giấy, nay lại thêm một giấy nữa. Đỏ, hồng, xanh gì đủ cả, cứ thay đổi xoành xoạch như thế này trên một tài sản, người dân biết đâu mà lần…?
Hết “giấy xanh” rồi tới giấy…màu gì nữa ?
Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin Bộ Tư pháp vừa hoàn thành dự thảo Luật Đăng ký bất động sản, trong đó có quy định sẽ ra “giấy xanh” để thay thế “sổ đổ”, sổ hồng”. Vì sao chỉ chưa quá một năm, các quy định quản lý đất đai, bất động sản lại thay liên tục như vậy ?
Theo tôi hiểu, Luật Đăng ký bất động sản về cơ bản để xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản và các quyền giao dịch khác về bất động sản. Các quyền này được ghi nhận trên cùng một Giấy chứng nhận đăng ký bất động sản, sẽ giúp người dân có đầy đủ cơ sở pháp lý về quyền sở hữu trong mọi giao dịch.
Tuy nhiên, cách thực hiện sửa đổi các quy định quản lý nhà nước về bất động sản kiểu “hành chính” của chúng ta chưa ổn. Vừa chạy xong “giấy đỏ”, còn đang chờ hướng dẫn làm “giấy hồng” thì nay lại được thông tin làm thêm “giấy xanh” để thay… giấy đỏ, giấy hồng! Tại sao khi dự thảo các quy định về quản lý bất động sản các bộ, ngành không thống nhất trước để nếu cấp “3 giấy” thì cùng triển khai một lúc ?
Chúng tôi là những người thu nhập thấp, mỗi lần làm một loại giấy như vậy, bà con phải tốn một ít tiền, tốn thời gian đi lại, tốn sức đợi chờ. Tôi nghĩ, không cần thiết phải thêm “giấy xanh”. Nếu người dân muốn đăng ký bất động sản, cơ quan đăng ký bất động sản có thể thể hiện một mục ghi chú đăng ký bất động sản lên chính “sổ đỏ” hoặc “sổ hồng” thì cũng là cơ sở để xác lập quyền sở hữu bất động sản.
Làm sao cho người dân đỡ phiền hà
Luật Đất đai năm 2003 quy định, chủ sở hữu nhà đất phải có 2 loại giấy: giấy đỏ do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp và giấy hồng do Bộ Xây dựng cấp. Sau đó, trên các báo đã có sự tranh cãi nên cấp một giấy hay hai giấy cho người dân đỡ phiền hà khi đi làm thủ tục hợp thức hóa chủ quyền nhà, đất. Cuối cùng Thủ tướng quyết định phải có 2 giấy nhưng sự việc vẫn chưa được triển khai vì còn chờ nghị định của Chính phủ.
Hiện nay, Vụ Đăng ký Quốc gia về giao dịch bảo đảm (thuộc Bộ Tư pháp) đang dự thảo Luật Đăng ký bất động sản và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương góp ý về dự thảo này.
Theo dự thảo, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu bất động sản trên đất gọi tắt là Giấy đăng ký bất động sản (giấy xanh) sẽ thay thế giấy hồng và giấy đỏ khi giao dịch, mua bán, tặng cho, thừa kế trên thị trường bất động sản.
Nếu Luật Đăng ký bất động sản có hiệu lực thi hành, từ sau ngày 1-1-2007, giấy đỏ, giấy hồng đã cấp vẫn còn hiệu lực bình thường nhưng muốn giao dịch thì vẫn phải chuyển sang giấy xanh.
Là người dân, chúng tôi không bàn cãi giấy đỏ, giấy hồng hay giấy xanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà mong muốn làm sao cho người dân thuận tiện khi phải làm thủ tục giao dịch về nhà đất.
NGUYỄN THỊ NHÃ - HỮU NGUYÊN - THANH BÌNH
Tin, bài liên quan:
“Giấy xanh” sẽ thay thế “sổ đỏ”, “sổ hồng”?