Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội) như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Thay đổi này được nhiều thành viên UBTVQH nêu một cách hình ảnh là “đổi vai”. Thực tế, đây không phải quy định hoàn toàn mới mà đã từng thực hiện trước đây, cho đến khi ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002.
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích, thay đổi này sẽ giúp việc soạn thảo dự án luật bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Việc thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ được thực hiện xuyên suốt, đầy đủ, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lo ngại lớn nhất trong xây dựng pháp luật là việc cài cắm lợi ích cục bộ. Cơ quan thẩm tra là cơ quan Quốc hội sẽ đảm bảo tính trung gian, khách quan hơn. “Đó là chưa kể Luật BHVBQPPL mới triển khai thực hiện được 3 năm, chưa đánh giá toàn diện tình hình. Nói thật là tôi thấy chưa chín để sửa”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quan điểm của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển. Bà phân tích: “Đây là vấn đề không mới, Chính phủ đã đề nghị nhiều lần, ngay từ lần xây dựng Luật BHVBQPPL năm 2015 và lúc đó Quốc hội cũng đã bàn rất kỹ, thấy không hợp lý. Mô hình tổ chức nhà nước ta đã được xác định trong Hiến pháp, trong đó vai trò của Quốc hội không phải chỉ là thông qua Hiến pháp, pháp luật mà là làm luật và thông qua luật. Việc đổi vai dẫn đến hệ quả là rất khó kiểm soát quá trình tiếp thu chỉnh lý đảm bảo thể hiện đúng ý kiến của cử tri, của đại biểu Quốc hội. Quan điểm của tôi là không “đổi vai” trong xây dựng pháp luật như vậy”.