ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) thẳng thắn: "Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua, tôi khẳng định 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu (ý kiến góp ý luật của đại biểu Quốc hội). Khi đấy, đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có bán hay không là quyền của họ".
Cụ thể, phương án 1 (phương án chọn) mà Chính phủ trình là cơ quan nào soạn thảo Luật đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua. Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, việc lựa chọn phương án này sẽ khiến Quốc hội rơi vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lập pháp của Quốc hội. “Thực tế đã có chuyện Bộ trưởng gây sức “ép” với ĐB, bây giờ chọn phương án 1, nghĩa là giao luôn cho cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý (chứ không phải cơ quan chủ trì thẩm tra – thường là một uỷ ban của Quốc hội như hiện hành – PV) thì rất khó để những ý kiến phản biện được tiếp thu”, ĐB Nguyễn Mai Bộ nhận định.
Ông Nguyễn Mai Bộ cũng nhận xét rằng, vừa qua, một số uỷ ban của Quốc hội không mạnh dạn kiên quyết trả lại những dự án luật không bảo đảm chất lượng. Vẫn theo ĐB, các dự thảo nghị định trình kèm theo luật lâu nay rất hình thức, khi ban hành thực sự hầu như khác xa so với ban đầu. ĐB đề nghị bỏ quy định trình dự thảo nghị định hướng dẫn kèm theo, thay vào đó tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án luật.
Có cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Mai Bộ, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, phương án đổi vai ở bước thông qua luật đã từng được đề nghị từ lâu, nhưng sau khi cân nhắc thì Quốc hội đã quyết định như hiện nay. “Nếu cơ quan chủ trì tiếp thu chỉnh lý đồng thời là cơ quan soạn thảo, nghĩa là một cơ quan thuộc Chính phủ, thì sẽ có mâu thuẫn giữa nhiệm vụ bảo vệ đến cùng ý kiến của Chính phủ và nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Quốc hội. Và nếu cơ quan chủ trì tiếp thu lại không phải là cơ quan của Quốc hội thì rất khó định lượng ý kiến ĐBQH khi thông qua Luật”, ĐB Mai Hoa phân tích.
Đề nghị luật hoá cụ thể điều kiện để thông qua các dự án luật theo thủ tục rút gọn, nữ ĐB nhận định: “Thủ tục rút gọn nhanh gọn, nhưng cũng sẽ hạn chế chất lượng của văn bản. Thực tế có những dự án luật được đề nghị theo thủ tục rút gọn đã lại phải kéo dài thành 2 kỳ, có luật từ 2 kỳ thành 3 kỳ, như khi sửa Luật Giáo dục. Cần có quy trình thống nhất về vấn đề này”.
Về lâu dài, ĐB đề nghị bên cạnh Ủy ban Pháp luật, Quốc hội cần có cơ quan xây dựng pháp luật với đội ngũ chuyên gia, đảm bảo làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.