Con không thôi thắc mắc: “Mẹ ơi, sao vai mẹ cứng vậy hả mẹ?”, mỗi lần như thế, mẹ chỉ cười: “Mẹ sinh ra đã có đôi vai cứng thế con ạ!”. Kể từ đó, con không hỏi mẹ nữa và suốt khoảng thời gian thơ ấu, con vẫn nghĩ mẹ được sinh ra với đôi vai chai cứng.
Một ngày con lớn khôn. Trên đường đi học về, con gặp mẹ đang gánh lúa từ ruộng về nhà. Trời thì đang nắng gắt, gánh lúa thì to. Con nhìn ra ruộng lúa, chỉ còn lại vài gánh nữa. Có lẽ từ sáng đến giờ, mẹ đã gánh về nhà rất nhiều gánh lúa nặng nề như thế. Khuôn mặt mẹ đỏ bừng vì nắng trưa, lưng mẹ ướt đẫm mồ hôi vì sức nặng... Nhìn mẹ mà con không thể kìm nén những giọt nước mắt.
Mẹ ơi, có lẽ mẹ sẽ chẳng bao giờ cho con biết đâu, nhưng bây giờ thì con biết tại sao đôi vai mẹ lại chai sần như thế. Làm gì có chuyện trời sinh hả mẹ, chỉ là mẹ không muốn nói ra...
Đã rất lâu rồi, ngày con còn học phổ thông cơ sở. Cô giáo dạy con môn Địa lý ví von hình ảnh nước Việt Nam ta là chiếc đòn gánh, là biểu tượng của sự cần cù lao động, là biểu tượng cho người vợ, người mẹ Việt Nam. Chiếc đòn gánh là vận mệnh của dân tộc ta, là trách nhiệm mà mọi người cùng chung tay gánh vác thì sẽ nhẹ, không chung tay thì sẽ gánh nặng...
Đã bao lần con muốn nghỉ học. Có lần con đã bị một trận đòn rất đau khi con nói dối trường cho nghỉ vài buổi học để ra đồng cấy lúa với mẹ. Mẹ đánh con rồi mẹ lại bật khóc nức nở. Con cũng khóc vì bị đòn đau, nhưng nỗi đau của con không bằng nỗi đau của mẹ. Mẹ dắt con đến trường xin lỗi cô giáo và con được tiếp tục đi học...
Mẹ bảo đời mẹ không có cái chữ nên khổ cực, nay mẹ muốn con học để cuộc đời con không như mẹ nữa: “Chỉ cần con học giỏi là mẹ vui, con không đi học mới là làm mẹ khổ!”, kể từ đó con chăm chỉ học hành và không bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ học nữa.
Dù đã lớn khôn, mẹ cũng không hát ru cho con nghe nữa, nhưng điều con mong nhất mỗi khi con về nhà là lại được ôm mẹ từ phía sau, dùng tay xoa xoa lên đôi vai gầy của mẹ.
Đôi vai gầy mang tình yêu bao la cho con!