Sáng nay 6-3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với hơn 700 điểm cầu trên cả nước.
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên vaccine ngừa Covid-19 được phát triển, sản xuất nhanh và đưa vào sử dụng rất nhanh nên thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả. Vì thế những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu ở một số vaccine, thời gian bảo vệ có khác nhau.
Đối với Việt Nam cùng với việc nỗ lực nhập khẩu vaccine đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 trong nước để đảm vấn đề an ninh y tế.
“Với việc vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được nhập khẩu về Việt Nam từ ngày 24-2 nhưng do là vaccine mới nên việc triển khai tiêm chủng phải thận trọng. Cùng với đó chúng ta cần chờ giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất. Đồng thời ở trong nước, chúng ta cũng đánh giá lại toàn diện tất cả số an toàn của lô vaccine này. Đồng thời lưu ý phản ứng sau tiêm vaccine là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100 % an toàn”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ rõ, do số lượng vaccine lần này rất hạn chế, Bộ Y tế không thể phân bổ vaccine cho tất cả 63 tỉnh, thành mà dành cho 13 tỉnh, thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương - điểm nóng về phòng chống dịch.
Ngày 8-3 tới sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Trong lần tiêm này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.
Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc nên khả năng lây nhiễm rất cao, sau đó là những người tham gia công tác phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…
Đáng chú ý, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.
Để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ. Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất.
Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.
“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tới vai trò của công tác truyền thông khi lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vaccine mới.
“Chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vaccine. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vaccine nhưng lợi ích của vaccine ngừa Covid- 19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng”- Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù mức độ bảo vệ của vaccine AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Hơn nữa do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vaccine vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K của ngành y tế.