Sáng 9-7, TAND TP Sóc Trăng tiếp tục xét xử và dự kiến tuyên án đối với 2 cựu cán bộ Chi cục QLTT (nay là Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tuy nhiên Hội đồng xét xử đã phải dời thời gian tuyên án vì đại diện Viện kiểm sát đưa ra “chứng cứ mới”.
Tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã đưa ra thông báo số 3559 của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) ngày 10-8-2015 để chứng minh thẩm quyền điều tra vụ án trên thuộc Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sóc Trăng là đúng theo quy định của pháp luật.
Nội dung thông báo này cho rằng, “Tiếp tục cho thực hiện quy định tại Điều 5, Thông tư số 59/2011/TT-BCA (ngày 25-8-2011) theo hướng ngoài các vụ án được quy định tại Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và Điều 22, Điều 23, Thông tư số 28 thì Cơ quan An ninh điều tra còn thụ lý điều tra đối với các vụ án do lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh trực tiếp giao, nhưng cần phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp”.
Từ nội dung thông báo trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đây là thông báo nghiệp vụ chuyên ngành, hướng dẫn thực hiện một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 28/2014/TT-BCA. Theo đó, việc Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng giao cho Cơ quan An ninh điều tra tỉnh thụ lý điều tra vụ án trên là đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã bác bỏ lập luận của đại diện Viện kiểm sát, đồng thời cho rằng thông báo trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật và hoàn toàn trái với Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Sóc Trăng) cho rằng, thông báo 3559 là văn bản của Tổng cục An ninh chứ không phải của Bộ Công an. Ngoài ra, đây là chỉ là thông báo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, nên không thể thay thế văn bản luật hoặc dưới luật. Đồng thời, hoàn toàn trái với Điều 17 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự.
Căn cứ Điều 23, Thông tư 28/2014 ngày 7-7-2014 của Bộ Công an, trong vụ án này, thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra chứ không phải Cơ quan An ninh điều tra. Do đó, quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của Cơ quan An ninh điều tra Sóc Trăng để làm cơ sở truy tố trong vụ án này là hoàn toàn không có hiệu lực.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử cho biết sẽ tiến hành xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 12-7.
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 4-2016, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Châu Hoài Phương (Phó chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng), làm trưởng đoàn, cùng thuộc cấp là Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên QLTT) đã kiểm tra, tạm giữ 148 bao phân bón gồm 3 loại phân khác nhau của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Ba loại phân bón trên sau đó được mang đi kiểm nghiệm, qua 2 lần đầu kiểm nghiệm, kết quả đánh giá cả 3 mẫu phân đều không đạt chất lượng. Tuy nhiên, khi các mẫu phân này được đưa đi kiểm định lần ba thì kết quả lại đạt chất lượng. Sau đó, toàn bộ số phân bị tạm giữ được trả lại cho doanh nghiệp.
Bị cáo Phương và Thanh sau đó bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao” để tự ý mang mẫu phân đi kiểm nghiệm lần 3 dẫn đến việc doanh nghiệp đưa phân bón không đạt chất lượng ra thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại đến người sử dụng.
Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1-2018, ông Phương và ông Thanh được tại ngoại và lam đơn kêu oan vì cho rằng bản thân không phạm tội. Đến 8-2018, Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân TP Sóc Trăng để điều tra bổ sung.