Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, thông tin đến người dân về Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD thực hiện.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2016 với diện tích 20.226m2 (bao gồm bãi xử lý rác thải phía Nam cũ). Đến tháng 3-2018, nhà máy đưa vào thử nghiệm, tất cả rác trên địa bàn huyện đều đưa về tập trung tại nhà máy, với công suất xử lý 50 tấn/ngày đêm (lượng rác toàn huyện khoảng 25 tấn/ngày).
Trong nhiều ngày qua, người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, đã có những bức xúc về tình trạng ô nhiễm, bốc mùi và tình hình vận chuyển rác vào khu vực nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh.
Ông Trần Huỳnh (thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm rất nặng nề, người dân đi làm nông về nhà muốn ngủ cũng không được thì mùi hôi thối nồng nặc. Ở làng này, người trẻ có 10 người thì hết 6 người ung thư rồi, nước rỉ rác thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm nghiêm trọng…”.
Ông Ngô Văn Liễu (xã Phổ Thạnh) nói rằng: “Phổ Thạnh đất chật, người đông, đất ở Phổ Thạnh toàn là vùng nhiễm mặn, không có nguồn nước sạch để dùng. Riêng động cát ở thôn La Vân có nguồn nước ngầm sạch thì chính quyền lại đi xây dựng bãi rác ở gần đó gây bức xúc cho người dân. Trước đó, chính quyền xã Phổ Thạnh đã nói với dân có nguồn nước sạch về nhưng đến nay người dân vẫn chờ mòn mỏi…”.
Bà Đỗ Thị Đa (thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh) nói: “Nhà máy được cấp phép hoạt động 49 năm, vậy thì mỗi năm người dân còn phải chịu đựng ô nhiễm, nếu chính quyền nói nhà máy xây dựng mấy chục tỷ đồng mà phải bắt dân chịu ô nhiễm là không đúng. Người dân xã Phổ Thạnh kiến nghị di dời nhà máy là phương án tốt nhất”.
Ông Huỳnh Quý - Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, tham vấn người dân về nhà máy xử lý rác thải rằng, nếu như người dân yêu cầu di dời nhà máy, vậy số lượng rác cũ tồn đọng lại là 22.500m3 rác sẽ xử lý thế nào?.
Bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh) kiến nghị biện pháp, theo bà, thì mong muốn người dân chấm dứt tình trạng ô nhiễm, xã nào tự đốt rác xử lý xã đó. Số lượng rác đọng lại nếu chính quyền không xử lý được thì người dân sẽ tự đốt rác, tự xử lý. Đề nghị di dời nhà máy trả lại đất sạch cho dân.
Ông Trần Trung (xã Phổ Thạnh) kiến nghị: “Tại các buổi đối thoại trước, huyện Đức Phổ đã thông tin đến người dân về khoảng cách nhà máy rác đến khu dân cư là đảm bảo đúng theo quy định pháp luật, tức lớn hơn 500m. Tuy nhiên, khi người dân chúng tôi dùng công cụ đo bản đồ thì khoảng cách đo được từ nhà máy rác đến quán cơm gần nhất chỉ cách 343m, từ nhà máy rác đến khu dân cư đối diện chợ Sa Huỳnh chỉ cách 435m”.
Trả lời kiến nghị của người dân, ông Đỗ Minh Hải-Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Theo ý kiến người dân nếu chỉ chôn lấp theo địa bàn xã thì sẽ rất mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường và các biện pháp chôn lấp chỉ là giải pháp tạm thời. Do vậy, khi tỉnh kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa mời các doanh nghiệp vào nhằm xử lý lượng rác tồn đọng trước đó và khối lượng rác sau này, công suất 50 tấn/ngày đêm, đảm bảo xử lý rác toàn huyện Đức Phổ”.
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, để xử lý bãi rác cũ với khối lượng 22.500m3 rác thì phải tốn 2 năm, nếu tự phát đốt rác thì toàn bộ nguồn nước sẽ ô nhiễm nặng. Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu nhà máy phải có giải pháp đốt để xử lý rác ngay, đồng thời, đối với xử lý nước thải từ bãi rác thì nhà máy phải bằng mọi cách chống thẩm thấu vào lòng đất, không cho nước từ bãi rác chảy đi nơi khác. Đề nghị nhà đầu tư cam kết bảo vệ môi trường.
Kết thúc buổi đối thoại, những vấn đề bức xúc của người dân vẫn không được chính quyền giải quyết ngay tại hội trường xã Phổ Thạnh. Rất đông người dân cho rằng, họ sẽ tiếp tục chặn xe rác vào bãi cho đến khi chính quyền đưa ra giải pháp thỏa đáng.