Ngày 25-4, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền TPHCM lần thứ 244 diễn ra với sự tham gia của hơn 350 doanh nghiệp. Chương trình do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) và Cục Hải quan TPHCM phối hợp tổ chức.
Lệch cân, phát hiện ra hàng cấm
Tại chương trình, ban tổ chức đã trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, gồm 25 câu hỏi được gửi đến trước, cùng các câu hỏi được đặt ra trực tiếp tại buổi đối thoại.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu ABZ (ở quận Tân Phú) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn liên quan việc lệch số cân thực tế tại kho xuất sân bay và tờ khai hải quan dù tỷ lệ lệch thấp. Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam (quận Tân Bình) phản ánh, hiện tại vấn đề lệch ký hàng xuất AIR ở Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được xử lý triệt để, dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn từ Tổng cục hải quan về vấn đề này. Thực tế doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều vấn đề phát sinh khi có sự chênh lệch trọng lượng giữa tờ khai hải quan và phiếu cân.
Hiện ở Sân bay Tân Sơn Nhất, hải quan vẫn yêu cầu phải điều chỉnh tờ khai khi lệch quá 20kg. Tình trạng này kéo dài nhiều năm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Trả lời doanh nghiệp, cơ quan hải quan cho biết việc giải quyết thủ tục hải quan trong trường hợp chênh lệch trọng lượng giữa thực tế hàng hóa xuất khẩu và trọng lượng khai báo trên tờ khai hải quan (đường hàng không), công chức đã thực hiện đúng quy định, quy trình thủ tục hải quan hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã thực hiện như sau: Đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng nhỏ, công chức hải quan căn cứ nội dung khai báo về mặt hàng, số lượng để xác định thuộc hoặc không thuộc trường hợp phải khai bổ sung.
Đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng lớn, công chức báo cáo lãnh đạo phụ trách, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Nếu nội dung giải trình hợp lý, công chức không yêu cầu doanh nghiệp phải khai bổ sung. Nếu nội dung giải trình không hợp lý, công chức yêu cầu doanh nghiệp phải khai bổ sung theo quy định. Một số trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công chức đã đề xuất lãnh đạo ban hành thông báo dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.
Việc phát hiện những sai lệch bất thường giữa khai báo và thực tế về trọng lượng đối với hàng hóa xuất khẩu qua đường hàng không cũng là một trong những dấu hiệu nghi vấn trong công tác kiểm soát về vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, hàng cấm… Nhất là hiện nay, tình hình vận chuyển trái phép qua đường hàng không ngày càng nhiều, thường xuyên và thủ đoạn tinh vi.
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong thời gian qua đã phát hiện, bắt giữ và chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ ma túy xuất qua đường hàng không.
Cơ quan hải quan cho biết, quá trình thực thi công vụ, công chức luôn hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định; xử lý linh hoạt tình huống, không để xảy ra trường hợp chậm xử lý dẫn đến trễ hoặc rớt chuyến bay gây thiệt hại cho doanh nghiệp…
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các địa điểm làm thủ tục của các bộ phận nghiệp vụ đều có niêm yết số điện thoại lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo Đội và đường dây nóng của ngành để doanh nghiệp có thể liên hệ khi cần thiết.
Xây dựng hải quan số
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng “than” khi hệ thống mạng hải quan thường xuyên gặp sự cố, như khai báo tờ khai đính kèm chứng từ, danh sách container hay mạng một cửa quốc gia, ảnh hưởng đến kế hoạch của doanh nghiệp.
Trả lời việc này, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan TPHCM cho biết, Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã được Cục Hải quan TPHCM đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, sau gần 10 năm vận hành hệ thống cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đây là hệ thống “đóng”, không tích hợp được với các hệ thống thông tin nghiệp vụ của Hải quan Việt Nam khiến việc tích hợp, trao đổi, xử lý thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống ngày càng hạn chế.
Ông Nam cho biết, ngành hải quan hoàn toàn nhận thức được những hạn chế về công nghệ. Những sự cố phát sinh thời gian qua là những lời cảnh tỉnh về năng lực của hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư từ 10 năm trước. Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch trình Bộ Tài chính điều chỉnh, thiết kế lại toàn bộ hệ thống theo các giai đoạn, nhằm giảm tải các vấn đề còn tồn đọng như trên.
Doanh nghiệp còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề về giám sát hải quan; trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan; hạn ngạch thuế quan xuất nhập khẩu; đăng ký, sửa chữa, bổ sung tờ khai hải quan; xuất nhập khẩu tại chỗ; quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan; công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy với hàng hóa xuất nhập khẩu; thủ tục hải quan khi sáp nhập doanh nghiệp…
Tính từ năm 2002 đến nay, Cục Hải quan Thành phố đã phối hợp ITPC tổ chức 66 hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 17.250 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 2.706 câu hỏi của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM chia sẻ, mỗi lần đối thoại nghe rất nhiều lời “ca thán” của doanh nghiệp, nhưng phải nghe để thay đổi. Tới đây thực hiện hải quan số, có rất nhiều thay đổi, sẽ có nghị định mới về kiểm tra chuyên ngành; nghị định về thủ tục hải quan, một nghị định về kinh doanh kho bãi cảng, đều tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM mong muốn doanh nghiệp ngoài phản ánh các vướng mắc thì đề xuất luôn phương án giải quyết. Ngoài ra, khi được lấy ý kiến về dự thảo các quy định có liên quan thì doanh nghiệp nên tích cực đóng góp ý kiến.