Câu chuyện 10 năm…
30 năm trước, dải đất chạy dài dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) là đầm lầy, hoang hóa và hoang vắng. Năm 2004, thành phố tổ chức đấu giá khu đất này thu về gần 500 tỷ đồng, được xem là một cách làm mẫu mực khi Nhà nước làm đường, mở rộng lề đường và lấy phần đất dôi ra bán đấu giá, thu được “bộn tiền” cho ngân sách.
Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, còn khu đất trở thành Khu đô thị mới Dragon City có diện tích 44,49ha, nay là khu đô thị hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực Bắc Nhà Bè. Chuyện ít ai ngờ đã xảy ra, khi dạo gần đây chủ đầu tư chính thức lên tiếng về khu đất đem ra đấu giá nhưng đất “chưa sạch”.
Tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại một căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường và có hành vi cản trở không cho công ty thi công công trình của dự án!
Công ty đã chuyển 160 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM để đền bù, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng để giao đất cho công ty thực hiện dự án ngầm hóa đường điện!
Vấn đề này đã được công ty báo cáo trực tiếp với với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP tại nhiều cuộc họp cũng như bằng văn bản. Sau cuộc họp cách nay hơn 3 tháng, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè lập kế hoạch thu hồi đất của các hộ dân, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp mới nhất, ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết trong khi chờ hướng dẫn của sở thì chủ đầu tư phải chuẩn bị thêm quỹ nhà tái định cư. “Nếu chuẩn bị hoàn tất, trong tháng 6 tới chúng tôi sẽ giao mặt bằng cho chủ đầu tư”, ông Bùi Hòa An khẳng định trước đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Trong cái khó, ló sáng kiến
Tại nhiều cuộc họp trước đây, Công ty cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 (là chủ đầu tư dự án chung cư Thảo Điền Pearl, quận 2) kiến nghị được làm đường dẫn cầu đi bộ trên cao để kết nối dự án với ga metro Thảo Điền (ga số 6, thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên).
Dự án này sẽ phát huy hiệu quả khai thác metro và khu vực lân cận nhà ga, với “cự ly vàng” trong bán kính 500m và tăng tiện ích phục vụ nhân dân, như cách làm của Singapore. Đã hơn 6 năm qua, Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn.
Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc Công ty S.S.G 2, cho biết: “Chúng tôi đã bán xong nhà, đã cấp sổ hồng cho người dân. Quyền lợi tại dự án không còn, nhưng muốn tăng lợi ích cư dân cũng như người dân khu vực, chúng tôi mới bỏ kinh phí để làm tuyến đường kết nối với metro”. Thế nhưng, thiện chí của chủ đầu tư cứ vậy mà kéo dài từ nhiều năm qua…
Giải thích cụ thể sự việc, một lãnh đạo UBND quận 2 cho biết, 230m2 đất của 3 hộ dân thuộc mặt tiền xa lộ Hà Nội, nằm trên đường dẫn từ nhà ga số 6 vào khu thương mại của dự án Thảo Điền Pearl, nhưng không thuộc dự án tuyến metro số 1.
Các hộ dân này đã bị giải tỏa 2 lần trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, nên rất khó khăn trong việc tiếp cận. Họ đưa ra lý do đây là dự án không thuộc diện thu hồi đất, vì nối từ nhà ga số 6 vào khu thương mại, yêu cầu thỏa thuận chứ không thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai.
Năm 2015, quận đưa vào kế hoạch sử dụng đất trình UBND TP, HĐND TP để đưa vào kế hoạch thu hồi đất. Sau đó, đoàn kiểm tra của HĐND TP kiểm tra thực tế và kết luận, trường hợp này chủ đầu tư phải tự thương lượng, Nhà nước không đứng ra thu hồi đất. Đó chính là lý do các năm 2016, 2017 quận đưa dự án trên vào kế hoạch sử dụng đất thì bị “gạt ra”.
Năm nay, quận dự tính tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất để trình HĐND TP đưa vào danh mục thu hồi đất, thu hồi theo Điều 16 Luật Đất đai - phục vụ cho mục đích công cộng, chứ không đơn thuần là nối vào trung tâm thương mại.
Nhân câu chuyện này, lãnh đạo UBND quận 2 đề xuất lãnh đạo thành phố và Sở Giao thông Vận tải: Khi thu hồi đất của các tuyến metro thì đưa vào trong dự án và thu hồi luôn các tuyến đường kết nối, tránh việc sau này phải lập một dự án riêng, bị người dân phản ứng rất mạnh.
Mới đây, trong buổi đối thoại với DN, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã cho biết một “lối ra” khác thật thú vị: “Chúng tôi đã đi khảo sát tuyến metro, nhận thấy có thể điều chỉnh thiết kế đường dẫn ảnh hưởng rất ít đến đất của người dân, thậm chí là không ảnh hưởng. Việc này UBND TP sẽ giải quyết”.
Trên đây là 2 câu chuyện khá tiêu biểu về việc vướng mắc của DN đầu tư kinh doanh bất động sản đã được lãnh đạo thành phố trực tiếp đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ. Theo lời hẹn, mỗi quý, lãnh đạo thành phố sẽ thu xếp để lắng nghe tâm tư của DN, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của thành phố thì sẽ tháo gỡ, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Trung ương thì TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa được 2 quý vừa qua, khi thị trường nóng lên, lãnh đạo thành phố đã sắp xếp 3 lần gặp gỡ DN, các khó khăn cụ thể được đối thoại để tìm lối ra. Đó cũng là mong mỏi của cộng đồng DN, kỳ vọng về môi trường đầu tư minh bạch, tin tưởng và an toàn. |