Trước đây, người dân muốn phản ánh, góp ý trực tiếp đến các vị lãnh đạo đầu ngành từ trung ương đến địa phương là điều vô cùng khó khăn. Dù đã có các phương thức lãnh đạo tiếp dân, đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, nhưng cũng khó trực tiếp gặp, góp ý với cán bộ lãnh đạo cần gặp. Nay, công nghệ thông tin ở Việt Nam đã phát triển mạnh, khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại, cán bộ lãnh đạo và người dân có thể dễ dàng đối thoại trực tuyến. Do vậy, để tăng cường hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp nhận ý kiến đóng góp của dân và giải quyết khiếu nại - tố cáo, lãnh đạo các ban ngành từ trung ương đến địa phương nên tận dụng thêm biện pháp tương tác với dân trên mạng. Như vậy, cán bộ sẽ gần dân hơn, việc đối thoại sẽ thật dễ dàng, thuận tiện.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh trong một buổi đối thoại với dân. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L
Để gần dân, hiểu được nỗi lòng, nguyện vọng, những chuyện bức xúc của người dân và được dân tin, lãnh đạo các ngành, địa phương nên có trang mạng do mình quản lý và điều hành, cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực mình phụ trách và tiếp nhận những phản ánh của dân. Qua đó, lắng nghe tiếng nói của dân một cách trực tiếp mà không thông qua bất cứ một cá nhân hay ban ngành nào, hiểu được người dân cần gì, việc gì làm chưa tốt để khắc phục, hoàn thiện. Cũng qua việc tương tác, các lãnh đạo còn rút ra được những kinh nghiệm bổ ích trong việc quản lý cấp dưới, cũng như không đưa ra những dự luật “trên trời” làm phiền hà dân. Các vụ khiếu nại, tố cáo của người dân cũng sẽ không bị ngâm tồn đọng kéo dài vì không đến được cán bộ lãnh đạo.
NGUYỄN THANH VŨ
(phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM)