Các đại biểu đặt vấn đề án hành chính giải quyết chậm. Lãnh đạo TAND TPHCM nhìn nhận, trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, mặc dù TAND hai cấp thành phố đã có nhiều giải pháp, nhưng việc phản hồi ý kiến của các cơ quan, tổ chức là người bị kiện còn chậm, gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.
Trong các vụ án hành chính, người bị kiện (thường là Chủ tịch UBND) thường vắng mặt, gây khó khăn cho công tác giải quyết vụ án.
Trước thực trạng này, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong cho biết, tòa án đã tổ chức đối thoại trực tuyến 5 vụ án hành chính. Thay vì phải trực tiếp tới tòa dự các buổi đối thoại, thì người bị kiện và người khởi kiện có thể đối thoại trực tuyến dưới sự chủ trì của thẩm phán.
Ông Trương Thế Trọng, Chánh tòa Hành chính TAND TPHCM cũng cho biết thêm, đặc thù án hành chính cần sự phối hợp rất cao từ người bị kiện (thường là Chủ tịch UBND - PV). Hiện nay, việc phối hợp còn nhiều bất cập, người bị kiện thường chỉ trả lời cho tòa rằng đã chuyển cho các đơn vị xem xét.
Luật quy định người bị kiện là Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, nhưng hầu hết người được ủy quyền cũng xin vắng mặt. “Về luật vắng mặt là không sai nhưng việc giải quyết vụ án sẽ gặp khó khăn. Bởi có những vụ việc cần sự có mặt trực tiếp, cần quyết định mà người được cử đi thay không có thẩm quyền. Nếu có mặt và đối thoại thì có thể tạo bước ngoặt trong giải quyết vụ án”, Chánh tòa Hành chính TAND TPHCM Trương Thế Trọng nói.
Báo cáo trước đoàn giám sát, lãnh đạo TAND TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, TAND hai cấp thụ lý mới 24.277 vụ việc, tổng số án phải giải quyết là 46.563 vụ việc, đã giải quyết 22.072 vụ việc, đạt 47,4%. So với cùng kỳ, lượng án thụ lý mới giảm hơn 5.100 vụ, giải quyết tăng 3.537 vụ việc. Về chất lượng giải quyết án, TAND hai cấp nhận kết quả giải quyết phúc thẩm 1.044 trường hợp. Trong đó có 148 bản án, quyết định bị hủy (91 trường hợp do nguyên nhân chủ quan); 383 bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm sửa (140 trường hợp do nguyên nhân chủ quan). Mặc dù lượng án thụ lý lớn, áp lực công việc ngày càng cao nhưng chủ trương của TAND tối cao là không tăng biên chế, do đó thực trạng hiện tại của TAND hai cấp thành phố là một thư ký phải giúp việc cho từ 2 đến 3 thẩm phán. Thời gian tới, tình trạng thiếu hụt thư ký sẽ càng trầm trọng hơn. |