Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, trọng tâm trong đối thoại, thương lượng là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy |
Nhạy bén giải quyết vấn đề tại cơ sở
* Phóng viên: Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở thực sự là điều đoàn viên, người lao động trông chờ. Tổ chức Công đoàn thành phố sẽ cải thiện các vấn đề trên ra sao trong thời gian tới?
* Bà Trần Thị Diệu Thúy: Thời gian qua, công tác đối thoại, thương lượng tập thể được tổ chức công đoàn triển khai mạnh mẽ, nhất là sau dịch Covid-19, hoạt động này càng diễn ra thường xuyên, liên tục tại cơ sở. Không chỉ thương lượng theo định kỳ, mà bất kỳ một biến động, tình huống nào xảy ra tại cơ sở ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì công đoàn cơ sở đều đứng ra thương lượng ngay để đảm bảo quyền lợi, chính sách tốt nhất cho người lao động.
Dự kiến sắp tới tiếp tục có nhiều biến động ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, trong nước, gây ảnh hưởng đến quan hệ lao động và điều kiện sản xuất. Do đó, tổ chức công đoàn càng phải xác định rõ hơn vai trò của mình để thực hiện tốt chức năng đại diện người lao động thương lượng trước các vấn đề diễn ra.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, tổ chức công đoàn phải có cách làm mới. Con người tham gia vào quá trình đó cũng phải chuyên nghiệp, nhạy bén hơn để giải quyết được các vấn đề ngay tại cơ sở. Chúng tôi cũng sẽ tập trung chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở có đủ kỹ năng, kiến thức, nhất là kiến thức về pháp luật để xử lý, thương thuyết các tình huống đang diễn ra.
"Hiệu quả của đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể mang lại là rất lớn. Song tại nhiều nơi, vấn đề này chưa được quan tâm, nên thực hiện còn mang tính hình thức. Đây cũng là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại một số nơi chưa ổn định"
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy
* Trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp có điều kiện nhưng không thực hiện cam kết như thỏa ước lao động, tổ chức công đoàn sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động?
* Đây là một trong những khó khăn tổ chức công đoàn gặp phải trong quá trình đối thoại, thương lượng tại cơ sở. Cho nên, đòi hỏi công đoàn phải nhìn ra để khéo léo thương thuyết, thảo luận, đấu tranh đến cùng vì quyền lợi người lao động. Về giải pháp, như trao đổi, chúng tôi cần người cán bộ công đoàn phải thật sự bản lĩnh để cùng đoàn viên, ban chấp hành công đoàn cơ sở thương lượng đến cùng.
Nghị quyết Đại hội Công đoàn TPHCM nhiệm kỳ 2023-2028 đã đề ra 3 khâu đột phá và 3 chương trình trọng tâm. Trong đó có tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Ngay khi đại hội kết thúc, chúng tôi đã bắt tay để triển khai ngay các nội dung này, nhất là chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ công đoàn bằng bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng.
Nhập cuộc quyết liệt hơn
* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thì tổ chức Công đoàn thành phố vào cuộc như thế nào để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động?
* Theo quy định pháp luật, trước khi có sự thay đổi nào về các phương án sử dụng lao động thì doanh nghiệp phải lấy ý kiến đại diện người lao động là tổ chức công đoàn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thật sự khó khăn nên phải cắt giảm lao động và đều có thương thuyết, thỏa thuận với người lao động, giúp người lao động hiểu để chia sẻ. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất mà vẫn cắt giảm lao động.
Với các trường hợp trên, tổ chức công đoàn đều vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đó cũng là lý do chúng tôi đặt tầm quan trọng trong công tác đào tạo, nâng chất đội ngũ cán bộ công đoàn.
* Cụ thể giải pháp nâng chất đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ được đẩy mạnh ra sao?
* Chủ tịch công đoàn cơ sở phải xác định nhiệm vụ, sứ mệnh của tổ chức công đoàn là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Cho nên, cán bộ công đoàn phải có kỹ năng, quan tâm tổ chức tốt các hoạt động đối thoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng thương lượng tập thể. Đặc biệt là nhận biết được vấn đề của doanh nghiệp là gì, đòi hỏi của người lao động có thật sự chính đáng hay chưa để có thể dẫn dắt, thương lượng, giúp hài hòa lợi ích đôi bên.
Hầu hết cán bộ công đoàn hiện nay tại doanh nghiệp là người đã làm nhiều năm và có kinh nghiệm, khả năng thương thuyết để trao đổi, thỏa thuận với doanh nghiệp cũng như thuyết phục người lao động trong các tình huống xảy ra. Đó cũng là lợi thế của tổ chức Công đoàn thành phố. Tổ chức Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, nhất là cập nhật kiến thức pháp luật mới thường xuyên, để tăng cường các kỹ năng xử lý tình huống, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn nảy sinh trong thực tiễn.