Ngày 31-5, Đối thoại Shangri La (SLD) lần thứ 18 năm 2019 khai mạc tại Singapore. Diễn ra trong 3 ngày, SLD năm nay có sự tham dự của 33 đại biểu cấp bộ trưởng và hơn 30 chỉ huy lực lượng quốc phòng cùng quan chức quốc phòng cấp cao, các học giả đến từ 47 quốc gia.
Khẳng định vai trò của Việt Nam
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự SLD lần thứ 18.
Tham dự đối thoại lần này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 5, diễn ra ngày 2-6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”.
Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.
Theo The Straits Times, trong diễn văn khai mạc tối 31-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sau khi điểm lại lịch sử Đông Nam Á nhấn mạnh rằng lịch sử của Đông Nam Á cho thấy khu vực này “không xa lạ gì với cuộc chơi của các nước lớn”. Từ đó, Thủ tướng Lý Hiển Long kết luận: “Mối quan hệ song phương Mỹ-Trung là quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”. Vì vậy, theo ông cách hai nước này giải quyết các bất đồng và căng thẳng như thế nào sẽ định hình môi trường quốc tế trong những thập kỷ sắp tới.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết SLD lần thứ 18 sẽ có 6 phiên toàn thể. Bên cạnh đó, hàng trăm cuộc gặp bên lề cũng sẽ được các bên tổ chức để đối thoại, góp phần giải quyết các thách thức an ninh hiện nay.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
SLD năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Bên cạnh đó, các nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ cũng đang trình Quốc hội Mỹ dự luật Trừng phạt biển Đông và biển Hoa Đông 2019 (South China Sea and East China Sea Sanctions Act). Văn bản này gồm 12 điều, theo đó cấm vận 25 công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại 2 vùng biển này.
Trước đó, trả lời báo chí hôm 30-5, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết sẽ nhắc nhiều đến Trung Quốc, và rằng chuyến dự SLD lần này của phái đoàn Mỹ là một “chuyến đi với vai trò của người nghe” và ông sẽ tìm kiếm các đồng minh về cam kết an ninh của Washington trong khu vực. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có bài phát biểu về “Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tại phiên thảo luận đầu tiên sáng 1-6.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu phái đoàn quân đội Trung Quốc tham gia SLD và sẽ nói về hợp tác an ninh quốc tế vào ngày 2-6. Đây là lần thứ 2 một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự SLD. Các chuyên gia nhận định sự tham gia cấp cao của Trung Quốc báo hiệu ý định sử dụng các cơ hội quan trọng để làm rõ vị thế của mình.
Trên The Straits Times, tiến sĩ Li Mingjiang, phó giáo sư và điều phối viên của Chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và Nghiên cứu chiến lược Singapore, cho rằng chuyến dự đối thoại SLD của ông Ngụy Phượng Hòa có liên quan đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
An ninh đã được thắt chặt tại mọi ngả đường dẫn tới địa điểm họp nhằm đảm bảo an toàn cho các chính khách tham dự SLD lần thứ 18. Cảnh sát địa phương cho biết các khu vực xung quanh khách sạn Shangri-La sẽ bị phong tỏa và tăng cường kiểm soát an ninh nghiêm ngặt trong 3 ngày diễn ra SLD. Các hoạt động như thả diều và bóng bay, sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa quanh khu vực diễn ra sự kiện đều bị cấm. Các phương tiện ra vào khách sạn cũng phải đi theo tuyến đường quy định |