Cạnh tranh phức tạp nhiều mặt
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, khu vực đang phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp, trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn. Bên cạnh đó, châu Á - Thái Bình Dương có vị trí địa - chiến lược ngày càng cao, sức hút ngày càng tăng thì sự cạnh tranh lợi ích chiến lược ngày càng quyết liệt hơn. Cạnh tranh diễn ra phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng; sự khác biệt về lợi ích chiến lược; sự không nhất quán giữa lời nói và hành động; còn hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế... Chính điều này làm tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra xung đột và trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới.
Đối thoại cùng tìm giải pháp
Để giải quyết các thách thức này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế. Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới với định hướng “giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng”.
Liên quan đến vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết đây là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao... tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Song nếu các quốc gia cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC) đồng thời nhấn mạnh việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông. Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Xây dựng nền kinh tế toàn cầu mở
Đối thoại Shangri-La 2019 đã khép lại với ba phiên đối thoại toàn thể với các nội dung liên quan đến các chủ đề: Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế, Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh, Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định.
Trong bài phát biểu của mình ở phiên thảo luận cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức rất lớn cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần cởi mở, kết nối và cùng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở cũng như củng cố sự hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Đặc biệt các nước ASEAN cần phải cùng nhau củng cố các cam kết song phương và đa phương, tạo nền tảng xây dựng một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM-Plus) chính là nền tảng. Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và cho rằng một COC thực chất và hiệu quả sẽ góp phần tăng cường sự tự tin và thúc đẩy ổn định của khu vực.
Phát biểu kết thúc Đối thoại Shangri-La 2019, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, diễn đàn năm nay đã đánh dấu là năm có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay. Bên cạnh sự quan tâm đối với các thông điệp của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc thì diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để các quốc gia khác bày tỏ quan điểm, nêu ra quan ngại và từ đó tìm tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của mình đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực.
Ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tuyên bố sẽ duy trì hợp tác quốc phòng chặt chẽ để hỗ trợ ngoại giao cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên. Theo Yonhap, cam kết được đưa ra trong cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La. Trao đổi quan điểm về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, các bộ trưởng cũng cam kết sẽ cảnh giác với các động thái liên quan của Bình Nhưỡng, đồng thời chia sẻ Triều Tiên cần tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ quốc tế theo các nghị quyết của Liên hiệp quốc. KHÁNH MINH |