Đối thoại Shangri-La 2019: Bàn về cạnh tranh và quan hệ đối tác

Ngày 1-6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore tiếp tục diễn ra các phiên thảo luận đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng…, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác và đối thoại là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp trên biển nói chung và biển Đông nói riêng.

Kêu gọi chấm dứt xâm lấn chủ quyền

Tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu với chủ đề “Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, theo đó, khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ và Washington đang đầu tư vào khu vực này, cũng như sát cánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đối mặt với một số thách thức an ninh nghiêm trọng, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Thêm vào đó là các hành động đi ngược lại với trật tự, luật pháp quốc tế, quân sự hóa, hoặc toan tính ép buộc các nước khác phải thuận theo chiến lược của mình…

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ, không nước nào “có thể chi phối khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các nước trong khu vực xuất phát từ các nhân tố muốn phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Theo ông Shanahan, với phương châm thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ sẽ tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để nâng cao khả năng phòng vệ tập thể, sẵn sàng ứng phó và hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó, các nước đồng minh châu Á cũng cần tăng cường chi tiêu an ninh.

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch  và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan
Ảnh: TTXVN
Theo Kyodo, ông Shanahan đã kêu gọi Trung Quốc ngừng chèn ép chủ quyền của các quốc gia khác, nêu bật căng thẳng an ninh giữa hai cường quốc thế giới này. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Cách hành xử xâm lấn chủ quyền của các nước khác và gieo rắc ngờ vực về mục đích của Trung Quốc phải chấm dứt. Chúng tôi ủng hộ tự do và rộng mở có lợi cho tất cả chúng ta, trong đó có cả Trung Quốc”. 


Trong phát biểu của mình, ông Patrick Shanahan cho biết Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất, song cũng là nước cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, cạnh tranh sẽ không dẫn đến đối đầu, cạnh tranh để giúp các bên cùng phát triển, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh chung tại khu vực.

Hợp tác là chìa khóa giải quyết các tranh chấp trên biển

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia nhấn mạnh, biển Đông cần là một khu vực hòa bình, hữu nghị thay vì là nơi diễn ra những cuộc đối đầu và xung đột. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi, nhưng cần thực chất và quan trọng là không đi ngược lại với các quy định của luật pháp quốc tế. Hai bên cần làm rõ các khái niệm về quyền tiếp cận và tự do an ninh hàng hải ở biển Đông.

Phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh hàng hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Đặng Quang Minh  cũng nêu rõ an ninh biển là phải trên tinh thần tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền chính đáng của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Phát biểu của Việt Nam cũng nêu bật thông điệp phải tạo không khí hòa bình trong giải quyết các tranh chấp. Do vậy, diễn đàn này là cơ hội để các nước cùng đối thoại, tạo không khí hòa bình trên cơ sở có trách nhiệm với cộng đồng, có tinh thần đối tác để từ đó có thể giải quyết được các tranh chấp trên biển nói chung và biển Đông nói riêng.

Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, chiều 1-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước New Zealand, Anh, Singapore, Malaysia, Pháp và Mông Cổ.

Tin cùng chuyên mục