Đông đảo quan chức, học giả và lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 92 quốc gia đã tham dự Đối thoại Raisina 2019 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, diễn ra từ ngày 8 đến 10-1. Đoàn Việt Nam do Trung tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, dẫn đầu.
Thúc đẩy phát triển bền vững
Theo Time of India ngày 9-1, Đối thoại Raisina là hội nghị địa chính trị, địa kinh tế đa phương thường niên do Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (ORF) phối hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức, nhằm trao đổi về những vấn đề quan trọng mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt hiện nay.
Chủ tịch ORF Samir Saran cho biết, trong 3 ngày sẽ diễn ra 85 phiên tương tác, thảo luận, trao đổi với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo trên thế giới và các chuyên gia xoay quanh chủ đề chính là Thiết lập trật tự thế giới mới - phác thảo một trật tự thế giới mới vốn đang xuất hiện nhanh chóng. Một nội dung thảo luận nổi bật tại Đối thoại Raisina năm nay sẽ là tình hình khu vực Á - Âu. Ông Saran đánh giá vùng siêu lục địa này chắc chắn là khu vực năng động nhất và khó dự báo nhất trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhấn mạnh đến một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và sự cần thiết của hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Bà E.Solberg cho rằng thế giới không thể bị chi phối bởi chủ nghĩa bảo hộ và sự kình địch kinh tế, đồng thời hối thúc tất cả các quốc gia hãy nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định không thể kiểm soát các đại dương bằng tư tưởng chân lý thuộc về kẻ mạnh và kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để quản lý hiệu quả hơn các đại dương.
Hãng Tân Hoa nhận định, với chủ đề Thiết lập trật tự thế giới mới, Ấn Độ đã gửi đi những thông điệp rất rõ ràng rằng nước này sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các thay đổi mang tính hệ thống và những thách thức ảnh hưởng đến trật tự thế giới.
Ấn Độ đang rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của mình và khả năng đối phó với nhiều thách thức phía trước. Báo cáo mới nhất của các tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế có cùng nhận định rằng Ấn Độ đang tăng trưởng khá năng động, tích cực và nổi lên như một siêu cường kinh tế. Báo cáo tạm thời về tình hình kinh tế của Ấn Độ do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố cũng kết luận rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ có thể vượt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai gần.
Chính phủ Ấn Độ đã kết hợp các giá trị vững chắc và truyền thống, đồng thời dựa vào năng lực sáng tạo và môi trường kinh doanh thân thiện để giúp Ấn Độ có thể đối mặt với mọi thách thức, bất ổn trong tương lai.
Trên hết, Ấn Độ đang tập trung vào các khu vực lân cận nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua các hợp tác khác nhau như dự án hợp tác Ấn Độ - Iran - Afghanistan thông qua dự án cảng Chabahar. Tính đa dạng của quan hệ đối tác cũng đã minh chứng cho mong muốn của Ấn Độ trong việc thể hiện các cách tiếp cận toàn diện trong một thế giới kết nối.
Ấn Độ đang dần thay đổi hình ảnh, vị trí và tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế vì quy mô và tầm quan trọng của đất nước này đang ngày càng tăng. Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với thế giới có thể còn tăng lên nhiều nữa nếu Delhi có thể triển khai các giải pháp tốt để thực hiện mong muốn này…