Vượt khuôn khổ New START
Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng Mỹ và Nga tổ chức các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao, bà Wendy Sherman. Ngoài ra còn có bà Bonnie Jenkins, người mới được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế. Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov sẽ dẫn đầu phái đoàn.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, thông qua cuộc đối thoại, Mỹ và Nga tìm cách đặt nền móng cho các biện pháp trong tương lai nhằm kiểm soát vũ khí và giảm thiểu các nguy cơ. Theo đó, 2 bên sẽ cùng bàn thảo nhiều vấn đề vượt ra khỏi khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vốn đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý gia hạn đến năm 2026. Washington muốn cùng Moscow đàm phán về số lượng lớn tên lửa hạt nhân phi chiến lược của Nga (không nằm trong New START) - mối quan tâm đặc biệt của các đồng minh châu Âu của Mỹ. Trong khi đó, Moscow nhiều khả năng sẽ tái khẳng định lại quan điểm bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải có thương lượng về giới hạn của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, điều mà Nga luôn coi là mối đe dọa lâu dài đối với kho vũ khí chiến lược nước này.
Giới quan sát nhận định, ngoài vấn đề về kiểm soát vũ khí, cuộc gặp lần này cũng là cơ hội để 2 cường quốc cải thiện quan hệ đang căng thẳng trên một số mặt trận. Trong đó, Washington từng dọa sẽ có các biện pháp hành động nếu Nga không chấm dứt làn sóng tấn công mạng mà theo nhà chức trách Mỹ, đa phần được tiến hành từ lãnh thổ Nga. Tổng thống V.Putin hoan nghênh người đồng cấp J.Biden đã có các nỗ lực để làm cho mối quan hệ trở nên dễ đoán định hơn.
Mềm và rắn
Cuộc đối thoại Mỹ - Nga diễn ra chỉ vài ngày sau khi bà W.Sherman thực hiện sứ mệnh tương tự với Trung Quốc trong chuyến công du đến Bắc Kinh. Trong bối cảnh mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả các mối quan hệ với Mỹ đang “bế tắc” và đối mặt với “những khó khăn nghiêm trọng”, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ Ian Bremmer nhận định, Washington sẽ mềm hơn với Moscow để rắn với Bắc Kinh.
Theo phân tích của ông Bemmer, Tổng thống Mỹ coi Trung Quốc là “mối đe dọa toàn cầu”. Chính phủ Mỹ tiếp tục cuộc chiến về thuế với Bắc Kinh của chính quyền tiền nhiệm. Các trừng phạt và mức thuế trước đây vẫn được duy trì nhằm giữ thế mạnh trong các thương lượng với Trung Quốc. Chuyên gia Mỹ cũng nhấn mạnh đến hàng loạt khác biệt về chính sách với Trung Quốc của 2 tổng thống Donald Trump và J.Biden. Trong khi ông D.Trump phàn nàn về việc Trung Quốc đánh cắp việc làm của nước Mỹ, ông J.Biden khởi động chương trình “Buy American” để cổ vũ các doanh nghiệp đưa việc làm về nước…
Trong khi đó, với Nga, ông D.Trump nói nhiều điều tích cực về ông V.Putin nhưng chính quyền của ông D.Trump và phe Cộng hòa tại Quốc hội lại liên tục có lập trường cứng rắn với Nga. Nhiều trừng phạt nhắm vào Nga đã được đưa ra trong nhiệm kỳ ông D.Trump. Chính ông D.Trump cũng đã phản đối dự án dẫn khí đốt Nord Stream 2, có tầm quan trọng chiến lược với Nga. Cựu Tổng thống Mỹ cũng rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận tên lửa tầm trung với Nga và từ chối gia hạn New START...
Hành xử của đương kim Tổng thống Mỹ có phần ngược lại. Chính phủ Mỹ có thái độ kiềm chế với Nga hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Gia hạn hiệp ước về vũ khí chiến lược, dỡ bỏ các trừng phạt với dự án Nord Stream 2 là các biện pháp giảm căng thẳng. Trong cuộc hội kiến với ông V.Putin tại Geneva hồi tháng 6, ông J.Biden đã quyết định “duy trì quan hệ hữu nghị”. Tóm lại, theo ông Bemmer, chính quyền của Tổng thống Biden muốn tạo quan hệ ổn định hơn với Nga nhằm tập trung vào các thách thức từ Trung Quốc.