Đối thoại không hồi kết về sách của GS Hồ Ngọc Đại

Cuộc đối thoại diễn ra căng thẳng, gay gắt do quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại và Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK mới không gặp nhau. 

Ngày 3-1, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên sách Công nghệ giáo dục và PGS Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, đơn vị phát hành sách. Trước đó, khi thẩm định các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị loại.

Cuộc đối thoại diễn ra căng thẳng, gay gắt do quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại và Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK mới không gặp nhau.

GS Hồ Ngọc Đại cho biết mục đích duy nhất của ông là tìm mọi cách để sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. Ông cho rằng SGK được biên soạn theo chương trình mới "là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm", chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục.

GS Hồ Ngọc Đại cũng bảo lưu quan điểm sách của ông đã được nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều năm để trở thành một công trình khoa học hoàn thiện nên ông sẽ không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì. “Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là nội dung, còn sách Công nghệ giáo dục là lý tưởng, mà lý tưởng thì không thay đổi", GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm.

Đối thoại không hồi kết về sách của GS Hồ Ngọc Đại ảnh 1 GS Hồ Ngọc Đại
"Bộ sách công nghệ của chúng tôi thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, tôi không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, tôi chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra. Do đó, tôi cho rằng không thể sửa chữa", GS Hồ Ngọc Đại kiên quyết.

Cùng quan điểm với GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục cho rằng đánh giá của Hội đồng thẩm định chỉ là bước một. Sau khi thẩm định, để khẳng định bộ SGK ấy đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, phải có bước 2 thực nghiệm SGK, sau đó điều chỉnh và cho dạy đại trà. Dẫn lời GS Trần Ngọc Thêm, PGS Nguyễn Kế Hào khẳng định sách của GS Hồ Ngọc Đại với đời sống hơn 40 năm cần được thẩm định theo cách khác. Bộ sách công nghệ giáo dục nên xem xét trên cơ sở đánh giá của các địa phương, mời một số chuyên gia xem xét cũng như dựa vào kết quả của hội đồng thẩm định trước đây.

Về phía Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán khẳng định Hội đồng đã đưa ra những ý kiến, nhận xét xác đáng, nghiêm túc, linh hoạt các tiêu chí và không chịu sức ép nào.
“Nội dung toán được học ở lớp 6 và 8 theo chương trình mới thì sách Công nghệ giáo dục đưa vào bậc tiểu học. Sách của GS Hồ Ngọc Đại không phù hợp với chương trình mới chứ không phải chất lượng kém”, GS Trần Kiều nói. Nguyên tắc là chương trình nào thì sách đó; người làm sách cần xem xét mục tiêu, kết quả cần đạt của chương trình rồi xây dựng nội dung cho sách. Khi có một chương trình mới thì cần những bộ SGK mới, đổi mới là việc tất yếu phải chấp nhận. Khi có chương trình mới, có những cuốn SGK rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy lý do có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt cho rằng SGK cần được thẩm định theo tiêu chí chung. Nếu có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại, điều đó không công bằng cho các tác giả khác.

Đại diện Bộ GD-ĐT, chủ trì buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ  bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Hồ Ngọc Đại cho giáo dục, đồng thời mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách Công nghệ giáo dục phù hợp với chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau.

Đối thoại không hồi kết về sách của GS Hồ Ngọc Đại ảnh 2 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ  
“Chúng tôi rất mong muốn bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại được sử dụng trong nhà trường. Còn về việc linh hoạt hay có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại, Bộ GD-ĐT không thể giải quyết. Việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Thứ trưởng cũng khẳng định, thẩm định bộ sách này, Bộ GD-ĐT đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. “Trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm rồi. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và cần tiếp tục thực nghiệm thì chưa chính xác”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu.

Đáp lại, GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào không đồng tình với quyết định của Bộ GD-ĐT và từ chối đề nghị chỉnh sửa bộ sách. Cuộc đối thoại căng thẳng sau 2,5 giờ không tìm ra được tiếng nói chung.

- Ngày 12-9-2019, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết ba cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên.

- Ngày 23-9-2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về kết quả thẩm định.

- Ngày 25-9-2019, Bộ GD-ĐT gửi công văn phản hồi PGS Nguyễn Kế Hào, trong đó nêu tập thể tác giả mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện và đề nghị thẩm định lại, nhưng GS Hồ Ngọc Đại từ chối.

- Ngày 30-902019, sau khi nhận được phản hồi của Bộ GD-ĐT, PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng Bộ trả lời chưa thỏa đáng và "sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ với tư cách cá nhân".

- Ngày 15-11-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm (SGK công nghệ giáo dục)

Tin cùng chuyên mục