Làm chơi, hiệu quả thật
Chúng tôi đến xã Bạch Đằng trong cái nắng óng ả ngày cuối năm. Không khí mát mẻ, yên bình của miền quê được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai hiền hòa cùng những vườn bưởi xanh mát, trái trĩu cành. Đang lúi húi sắp xếp những quả bưởi vừa hái và lau chùi các thùng rượu được chiết xuất từ bưởi Bạch Đằng, ông Dương Văn Minh (còn gọi là ông Hai Dương, 67 tuổi, ấp Điều Hòa) mời khách ngồi trước khi đi tham quan vườn bưởi rộng 2.300m² gia đình canh tác hàng chục năm nay.
Ông Hai Dương chia sẻ về hệ sinh thái các sản phẩm từ bưởi như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Vườn bưởi của gia đình thuộc loại nhỏ ở xứ bưởi nức tiếng này, nhưng lại là một cơ sở điển hình của chuỗi giá trị từ cây bưởi mang lại. 5 năm qua, gia đình ông không chỉ cung cấp trái bưởi ra thị trường mà còn có các sản phẩm được sản xuất từ loại quả này, như: rượu bưởi, mứt bưởi, chè bưởi, tinh dầu, nước hoa với giá trị tăng gấp đôi so với trước đây. Nếu như những năm trước, hơn 2 sào bưởi cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng/năm (trừ chi phí đầu tư), thì nay thu nhập đã tăng lên gần 300 triệu đồng, đặc biệt, sản phẩm từ bưởi được gia đình bán quanh năm nhờ đa dạng sản phẩm từ bưởi.
Đi dọc vườn bưởi, ông Hai Dương tâm sự: “Hai vợ chồng già nhà tôi, mỗi tháng có thu nhập không dưới 20 triệu đồng từ cây bưởi, có ngày cao điểm gia đình bán rượu, mứt cho người dân trong vùng và tham gia hội chợ thu về vài triệu đồng. Ngày nay, hương bưởi Bạch Đằng đã bay xa khỏi xứ cù lao ven sông Đồng Nai, đến với bà con trên mọi miền đất nước, nhiều người đi du lịch nước ngoài còn mang theo tặng người thân như món quà quê nhà, giúp từng bước xây dựng thương hiệu cho trái cây đặc sản này”.
Là người thành công trong phát triển chuỗi sản phẩm từ bưởi Bạch Đằng, ông Hai Dương nhìn nhận, với những vườn bưởi rộng hàng chục hécta, thì công nghệ chế biến sau thu hoạch, sự đồng hành của ngành chức năng là rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng “giải cứu nông sản” thường xuyên xảy ra; bởi khi vào mùa, hàng chục tấn sản phẩm được đưa ra thị trường một lúc, nếu không chế biến thành các sản phẩm khác, bưởi sẽ nhanh hư hỏng.
Để hương bưởi bay xa
Theo UBND TP Tân Uyên, với lợi thế sẵn có về tự nhiên và truyền thống cần cù, chịu khó, chỉ sau 3 năm thực hiện thí điểm, đến năm 2013, xã Bạch Đằng là địa phương đầu tiên của Bình Dương được công nhận xã NTM. Trong giai đoạn phát triển NTM từ 2021-2025, xã tiếp tục được chọn thực hiện thí điểm xã NTM kiểu mẫu và làng thông minh của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân. Việc xây dựng NTM kiểu mẫu và làng thông minh được triển khai đồng bộ, trong đó, thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm từ trái bưởi Bạch Đằng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường và phát huy lợi thế du lịch của địa bàn. Với sáng kiến tổ chức Lễ hội hương bưởi Bạch Đằng, các năm qua, TP Tân Uyên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, thậm chí nhiều du khách nước ngoài qua thông tin trên mạng xã hội, tìm đến vườn bưởi và những căn nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm, khi về không quên mua tinh dầu, nước hoa chiết xuất từ bưởi.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP Tân Uyên, cho biết, diện tích trồng bưởi của xã Bạch Đằng hiện khoảng 450ha, trong đó nhiều vườn bưởi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn mang lại cho du khách một không gian du lịch sinh thái thú vị. Nhờ hạ tầng được từng bước đầu tư đồng bộ, thông minh, người dân đã được thụ hưởng thành quả từ NTM kiểu mẫu và làng thông minh mà tỉnh Bình Dương đang xây dựng.
Chia tay xã cù lao Bạch Đằng và những vườn bưởi xanh ngát, người dân nhiệt tình, hiếu khách, chúng tôi còn ấn tượng bởi lời ca trong bài hát Hương thầm (thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhạc Vũ Hoàng) trên loa phóng thanh xã: “Hương bưởi thơm nghe lòng bối rối. Cô bé như chùm hoa lặng lẽ. Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.
Hiện bưởi Bạch Đằng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân xã Bạch Đằng sở hữu và trở thành trái cây nổi tiếng, thường góp mặt trong bữa tiệc chiêu đãi khách quý, người trồng bưởi trở thành những “kỹ sư miệt vườn”. Và người nông dân nơi đây đang mơ một ngày, quả bưởi và các sản phẩm từ bưởi được yêu thích tại những thị trường xa xôi như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... để hương bưởi Bạch Đằng bay xa hơn.