Cùng với đôi tay tài hoa, bản lĩnh thép, bác sĩ Mai Linh đã giữ lại sinh mệnh cho biết bao người.
Tò mò về bộ não con người
Không dễ để gặp được bác sĩ Trần Thị Mai Linh bởi chị rất bận. Nhỏ bé nhưng vô cùng nhanh nhẹn, hết ở phòng mổ, chị lại tất bật khám bệnh, hội chẩn, theo dõi bệnh nhân sau mổ… Người ta ít thấy bác sĩ Mai Linh ngơi tay. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hiếm hoi, chúng tôi xin được gặp chị để hiểu hơn về công việc của một nữ bác sĩ phẫu thuật thần kinh sọ não.
Chị cười: “Lĩnh vực nào cũng vậy, làm nhiều quen tay chứ cũng không có gì ghê gớm”. Ấy vậy nhưng đằng sau của điều “không có gì ghê gớm” trong lời nói của bác sĩ Mai Linh là những ca phẫu thuật cân não, là hàng chục giờ đồng hồ đứng bên bàn mổ, là những phút giây căng thẳng đến nghẹt thở và cả những trận tranh luận nảy lửa trong phòng mổ…
Lý giải lý do chọn lĩnh vực thần kinh sọ não (lĩnh vực mà ngay cả bác sĩ nam cũng dè dặt), bác sĩ Mai Linh nhớ lại: “Sau khi trải qua 6 năm học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mình quyết định học chương trình bác sĩ nội trú và lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật thần kinh. Trong phẫu thuật thần kinh, mình lại chọn thần kinh sọ não, bởi mình rất tò mò về não bộ con người”.
Chị tâm sự, bộ não con người cùng hàng triệu nơ-ron thần kinh có sức hấp dẫn kỳ lạ, càng học, càng dấn thân thì chị càng có niềm đam mê với nó. “Thật sự cho đến bây giờ, khoa học tuy đã phát triển nhưng bộ não vẫn có nhiều bí ẩn. Có những điều mình không thể lý giải hết được hoàn toàn về mặt khoa học nên mình càng phải tiếp tục nghiên cứu và càng nghiên cứu, khám phá thì lại càng mê”, bác sĩ Mai Linh chia sẻ.
Những ngày mới vào nghề, khó khăn nhiều không kể xiết khi chị phải vật lộn với đủ loại dụng cụ phẫu thuật sọ não nặng nề như khoan, cưa…, hay gần như đứng suốt gần 10 giờ đồng hồ trong trạng thái căng thẳng ở phòng mổ. Sau mỗi ca mổ kéo dài và vất vả, chị không chịu về nhà ngay mà ở lại theo dõi quá trình bệnh nhân hồi tỉnh. Đến khi bệnh nhân thật ổn định, chị mới thở phào nhẹ nhõm và ra về. Chính vì thế, thời gian ở bệnh viện của bác sĩ Mai Linh còn nhiều hơn ở nhà.
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật thần kinh sọ não “đông khủng khiếp”, bởi hầu như bệnh nhân của toàn bộ khu vực phía Nam đều dồn về đây. Do đó, áp lực của bác sĩ Mai Linh và các đồng nghiệp là không hề nhỏ. Có những ngày, bác sĩ Mai Linh phải tham gia 3-4 ca phẫu thuật, trong đó có những ca kéo dài 6-7 giờ đồng hồ.
“Có nhiều ngày liên tiếp, mình không nhìn thấy mặt trời, bởi đến bệnh viện lúc tờ mờ sáng và ra về khi đèn đường giăng lối. Rất may mắn là mình có gia đình hỗ trợ đằng sau để mình được hết lòng với công việc”, chị mỉm cười khi nói về “hậu phương” của mình.
Bản lĩnh, quyết đoán
Ngày mới về Khoa Ngoại Thần kinh, bác sĩ Mai Linh “choáng” khi cả khoa chỉ có duy nhất chị là nữ. Trong môi trường toàn nam giới, ban đầu bác sĩ trẻ Mai Linh hơi lo lắng, nhưng chị luôn tự nhủ phải cố gắng, học hỏi nhiều hơn. Không phụ sự dẫn dắt của các thầy, các anh, bác sĩ Mai Linh đã tiến bộ từng ngày. Ban đầu chỉ là phụ mổ, dần dần bác sĩ Mai Linh được giao đứng mổ chính và thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp.
Cùng với thời gian, từ một bác sĩ mới vào nghề còn nhiều rụt rè, 15 năm sau, bác sĩ Trần Thị Mai Linh đã trở nên nhanh nhẹn, mạnh mẽ và quyết đoán. Chị thừa nhận, để có được bản lĩnh của ngày hôm nay là cả một quá trình trui rèn, tôi luyện không mệt mỏi, trong đó có cả những giọt nước mắt thất bại. Chị từng đau đớn, bất lực, từng rơi nước mắt trên bàn mổ khi ca phẫu thuật không như ý. Thế nhưng, những ca mổ thành công, sự hồi phục của bệnh nhân, nụ cười hạnh phúc của gia đình người bệnh là động lực, là hành trang để bác sĩ Mai Linh bước tiếp trên con đường phẫu thuật thần kinh sọ não đầy chông gai.
“Phẫu thuật thần kinh sọ não kỳ diệu lắm, mới đây bệnh nhân còn hôn mê, nhưng khi được can thiệp thì họ phục hồi rất nhanh. Những lúc như vậy, mình thấy thật phấn khích và không có lý do gì để mình từ bỏ công việc này”, bác sĩ Mai Linh trải lòng. Không có được sự dẻo dai, khỏe mạnh như các nam đồng nghiệp, bác sĩ Mai Linh rèn cho mình sự tinh tế cũng như sự kiên trì trong mỗi ca mổ.
Chị tâm sự: “Tuổi nghề của bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa thần kinh ngắn lắm, đến một lúc nào đó thì chân mình sẽ mỏi, mắt sẽ mờ và đôi tay không còn linh hoạt, phải nhường “sàn chiến” cho thế hệ kế cận. Thế nên, mình hy vọng sẽ mổ được cho nhiều bệnh nhân nhất khi còn có thể”.
Cuộc gặp gỡ với bác sĩ Mai Linh diễn ra thật ngắn, bởi chị còn bận cho ca hội chẩn liên chuyên khoa vào đầu giờ chiều. Chị cáo lỗi và vội vàng rời đi. Nhìn bước chân thoăn thoắt vội vã của chị trên hành lang bệnh viện, tôi bất giác nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”.
Quyết không chọn việc nhẹ nhàng, nữ bác sĩ phẫu thuật thần kinh sọ não duy nhất của khu vực phía Nam Trần Thị Mai Linh đã lựa chọn cho mình con đường đầy chông gai nhưng ý nghĩa vô cùng, đó là hồi sinh cho bao bệnh nhân đang trên bờ vực của sự sống và cái chết.
Nhận xét về nữ bác sĩ duy nhất của khoa, PGS-TS-BS Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhìn nhận: “Những ca phẫu thuật thần kinh sọ não luôn căng thẳng và thường kéo dài, với nam giới chúng tôi đã là một thử thách, nhưng bác sĩ Mai Linh lại làm được. Bác sĩ Mai Linh có tố chất của một bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa có tay nghề, đó là sự tỉ mỉ, khéo léo và luôn chăm chút từng thao tác mổ”.