Đối tác nhiều tiềm năng

Tại hội thảo “Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada: Tiềm năng và lợi ích” vừa diễn ra tại Ottawa, ông Abdul Kadir Jailani, Đại sứ Indonesia tại Canada, khẳng định, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Canada đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. 

 

Hội thảo về thương mại tự do ASEAN-Canada tổ chức ngày 2-3, tại thủ đô Ottawa, Canada. Ảnh: TTXVN
Hội thảo về thương mại tự do ASEAN-Canada tổ chức ngày 2-3, tại thủ đô Ottawa, Canada. Ảnh: TTXVN

Theo các nghiên cứu về tính khả thi của hiệp định này, hoạt động xuất khẩu của toàn bộ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, sẽ gia tăng.

Ông Jean Charest, Chủ tịch danh dự Hội đồng Doanh nghiệp Canada - ASEAN, cũng cho rằng Canada có những điểm mạnh mà các nước ASEAN có thể tận dụng như nền kinh tế tri thức, đối tác đáng tin cậy, hệ thống tài chính vững mạnh, sở hữu các ngân hàng thuộc tốp an toàn nhất thế giới. Các quỹ hưu trí của Canada cũng là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn cầu. Canada có thể đóng vai trò “cửa ngõ” để các doanh nghiệp ASEAN tiếp cận thị trường Bắc Mỹ và châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ phiên bản mới (NAFTA 2.0) và Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa EU và Canada (CETA).

Việc phải đón nhận một số sức ép trong quan hệ thương mại với hai đối tác lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc khiến Canada tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ở nhiều thị trường mới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Theo giới chuyên gia, sự chuyển hướng này có thể là lời giải cho những vấn đề phức tạp mà Canada đang gặp phải. ASEAN - thị trường gần 650 triệu dân, sở hữu quy mô kinh tế khoảng 3.000 tỷ USD, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada với kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đạt 25,1 tỷ CAD (18,8 tỷ USD) trong năm 2018. Giới doanh nghiệp Canada đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường ASEAN, nơi các dự án cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh và lực lượng tiêu dùng trung lưu không ngừng phát triển. Không chỉ nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh châu Á, ASEAN còn là một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới. Từ năm 2017, Canada và các nước thành viên ASEAN đã tiến hành các cuộc thảo luận tìm hiểu về khả năng tiến tới một FTA song phương. 

Mối quan hệ hợp tác hai bên bắt đầu từ năm 1977, gắn bó trên cả 3 trụ cột: kinh tế, văn hóa - xã hội và chính trị - an ninh. Hoạt động đầu tư và thương mại của Canada vào thị trường Đông Nam Á phát triển nhanh chóng không chỉ về khối lượng mà còn trải dài trên nhiều lĩnh vực, như dầu khí, khai mỏ, công nghệ cao, viễn thông, chế biến thực phẩm, dịch vụ tài chính, hàng không. 

Theo giới quan sát, hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong kinh tế thương mại nhưng cơ hội đó có thể được tận dụng hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào việc ký kết FTA sắp tới. FTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho cả các nước ASEAN và Canada. Hơn nữa, việc tự do hóa thuế quan, dịch vụ, đầu tư và cải thiện thuận lợi hóa thương mại trong FTA sẽ có tác động tích cực đến thương mại song phương và GDP cho ASEAN lẫn Canada. Giám đốc Trung tâm Thương mại và đầu tư Canada West Foundation, ông Carlo Dade, cho rằng một thỏa thuận FTA với ASEAN không chỉ đóng vai trò mở rộng cánh cửa tiếp cận thị trường này mà còn là cách để Canada tiến gần hơn với việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tin cùng chuyên mục