Giới quan sát cũng cho rằng, thời điểm diễn ra chuyến thăm rất quan trọng đối với ông chủ Nhà Trắng, khi 2 trụ cột chính là an ninh và thương mại trong chính sách đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang có nguy cơ lung lay.
Theo lịch trình, Tổng thống Donald Trump sẽ yết kiến Nhật hoàng Naruhito; hội đàm chính thức với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27-5; thảo luận về Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa gần đây của nước này cũng như về vấn đề thương mại. Ông Donald Trump còn ghé thăm một căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản nhằm làm nổi bật liên minh quân sự giữa 2 đồng minh trong bối cảnh xuất hiện thách thức đến từ bán đảo Triều Tiên và căng thẳng liên quan đến Bắc Kinh ở các vùng biển trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản là một trong số những nhà lãnh đạo thế giới có quan hệ thân thiết với người đứng đầu Nhà Trắng. Ông Shinzo Abe là lãnh đạo đầu tiên gặp ông Donald Trump sau khi thắng cử năm 2016. Từ đó tới nay, 2 bên điện đàm với nhau ít nhất 20 lần, chưa kể các cuộc gặp trực tiếp khác. Dù rất thân thiết, nhưng 2 bên vẫn có những bất đồng về một số vấn đề. Ông Shinzo Abe là một trong những lãnh đạo châu Á có quan điểm cứng rắn nhất về Triều Tiên và ủng hộ đường lối áp lực tối đa. Nhưng từ khi Tổng thống Mỹ chọn con đường ngoại giao xử lý vấn đề Triều Tiên, chính Nhật Bản nảy sinh mối quan ngại. Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao với đồng minh không theo quy chuẩn nào của Tổng thống Donald Trump cũng khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng về quan hệ đối tác với Mỹ. Trong lĩnh vực thương mại, ông Donald Trump cũng tỏ ra cứng rắn với Nhật Bản hơn những gì Tokyo kỳ vọng từ một đồng minh thân thiết. Tổng thống Mỹ nhiều lần cảnh báo sẽ áp thuế lên mặt hàng phụ tùng và xe hơi Nhật Bản nếu Tokyo không mở cửa cho nông sản Mỹ xâm nhập thị trường. Mỹ từng bày tỏ việc không hài lòng về thâm hụt thương mại với Nhật, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sau khi Nhật Bản gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, do việc giải quyết căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang rơi vào thế bế tắc nên Mỹ rất cần sự hợp tác chặt chẽ hơn của Nhật Bản. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp, bao gồm những doanh nghiệp ủng hộ ông Donald Trump, đang hoang mang. Dự đoán trước đó cho rằng Mỹ sẽ có một thỏa thuận thương mại được ký kết với Nhật Bản trong chuyến công du để xoa dịu dư luận trong nước. Nhưng cũng có nhận định cho rằng, ít có khả năng đôi bên sẽ san bằng những bất đồng về thương mại. Theo một quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ không tập trung nhiều vào vấn đề thương mại. Điều này báo hiệu khả năng 2 nước sẽ không thể đạt được một thỏa thuận về FTA (Hiệp định thương mại tự do) song phương.
Kết quả chuyến công du vẫn chưa rõ, nhưng việc Tổng thống Donald Trump trở thành lãnh đạo thế giới đầu tiên đến Nhật trong triều đại Lệnh Hòa đã chuyển đến thông điệp rằng liên minh Mỹ - Nhật đang trở nên sâu sắc hơn, chủ động hơn.