Bãi rác Khánh Sơn nằm khuất sâu trong dãy núi ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Mấy chục năm qua, rác thải của người dân phố thị đều tập kết về đây để tiêu hủy, chôn lấp. Giữa tiết trời nắng nóng, đứng cách xa bãi rác hàng trăm mét đã thấy mùi hôi thối nồng nặc, nước rỉ đen ngòm, khiến không ai dám đến gần. Nhưng tại đây, hàng ngày vẫn có hàng trăm con người hì hục đào bới, tìm kiếm “miếng ăn” từ rác!
“Kho báu” của người nghèo
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, chúng tôi đến bãi rác Khánh Sơn để tìm hiểu về công việc độc hại của hàng trăm con người ngày đêm lăn lóc ở bãi rác. Giữa vùng đất rộng mênh mông hàng chục hécta đầy rác thải, hàng trăm con người hì hục dưới nắng nóng đào bới, tìm kiếm những vật dụng có thể “mang lại miếng cơm” cho gia đình.
Thấy người lạ, bà Nguyễn Thị Từ (trú tại Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) ngẩng đầu nhìn dò xét. Qua vài câu hỏi, biết chúng tôi không phải người đi tìm kiếm “lãnh địa”, bà Từ vui vẻ bộc bạch. Năm nay gần 60 tuổi, bà có “thâm niên” gần 30 năm đi nhặt rác. Người con gái Nguyễn Thị Thu Trang (30 tuổi) cũng theo mẹ nhặt rác từ năm 14 tuổi đến nay.
“Hàng ngày, hai mẹ con có mặt ở bãi rác từ khoảng 4 giờ sáng và chỉ về nhà khi mặt trời khuất núi. Một ngày lao động trên bãi rác, mỗi người có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng. Hôm nào “trúng mánh”, xe rác về bãi nhiều thì thu nhập nhỉnh hơn chút ít. Còn sức, tôi ráng làm để mai mốt già yếu không đi lại nữa thì vẫn có cái mà ăn”, bà Từ tâm sự.
Thoáng thấy chiếc xe rác bóp còi, đèn nhấp nháy chạy vào bãi rác, bà Từ cùng hàng chục phụ nữ, đàn ông vội chạy đến. Trong lúc chiếc xe nâng thùng, bắt đầu xả rác, hàng chục con người vây quanh, tay thoăn thoắt đào bới, tìm kiếm các loại phế thải. Rác thải của người dân nơi đô thị được xem là “kho báu” của những phận người khốn khổ nơi đây. Trong lúc mọi người đào bới đống rác xe vừa trút xuống, ông Võ Thành Chao (70 tuổi, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) reo lên đầy sung sướng: “Bà con ơi tui lượm được tiền nè!”. Vẻ mặt rạng rỡ, ông Chao cầm xấp tiền cũ, mệnh giá 100 đồng, vẫy vẫy trước mắt “đồng nghiệp”, khiến ai nấy quay lại nhìn cười.
“Thi thoảng tôi cũng lượm được chút ít tiền, giấy tờ tùy thân, sổ đỏ và liên hệ với người bị mất hoặc địa phương để trả lại. Cái gì dùng được thì đem về dùng, cái gì bán được thì bán. Hơn 35 năm nhặt rác, đồ dùng sinh hoạt trong nhà tôi đa số đều được lượm từ nơi này...”, ông Chao hí hửng nói.
Hầu hết những người nhặt rác ở nơi này đều đã lớn tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chung một chữ nghèo. Mặc dù chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là sinh con, nhưng chị Huỳnh Thị Mai (trú Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vẫn khệnh khạng mang cái bụng vượt mặt đi nhặt rác. Khi thấy chúng tôi ái ngại, chị cười vô tư: “Chồng tôi làm thợ nề, thu nhập bấp bênh, vậy nên tôi tranh thủ đi được ngày nào hay ngày đó. Khi nào đau bụng thì đi sinh, chứ ở nhà lấy gì mà sống... Buổi trưa thì ở lại, ai có gì ăn nấy. Sống với cái bãi rác này, chúng tôi ăn ngay trên đây chứ đi đâu bây giờ...”.
Vì mưu sinh, những người nhặt rác bất chấp nhiều mối nguy hiểm luôn chực chờ. Chuyện giẫm đạp mảnh thủy tinh, kim tiêm... với họ xảy ra như cơm bữa. Rồi chuyện thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm, bệnh tật cũng xảy ra với nhiều người.
Ông Võ Thành Chao vui mừng vì lượm được tiền, dù mệnh giá chỉ… 100 đồng
Nhặt rác, nuôi con ăn học
Bãi rác đã nuôi sống biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ. Từ dân địa phương sống quanh khu vực đến những người sinh sống các vùng lân cận đều về đây nhặt rác kiếm sống. Bãi rác Khánh Sơn được người dân nhặt rác ví như một “xã hội” thu nhỏ. Có người lao động, có mua bán phế liệu giao dịch tại chỗ. Trong bãi rác còn có hàng quán với đủ loại bún mì, cơm, cà phê, thức ăn nhanh… Người nhặt rác dựng tạm những căn lều nhỏ để sinh hoạt và ngủ ngay trên bãi rác. Nhiều gia đình trải qua các thế hệ vẫn sống chung với rác, ăn trên rác, ngủ bên rác, thậm chí chết cũng vì rác.
Chị Nguyễn Thị Tám (50 tuổi) khoe, nhờ đi nhặt rác, chị nuôi được 5 người con ăn học đàng hoàng. Trong đó, có 2 đứa lớn đã ra trường và đi làm, đứa còn lại đang thực tập và hai em nhỏ học cấp 1. Trước đây, chị nuôi heo, hàng ngày vào bãi rác để lấy thức ăn thừa về cho heo. Thấy người dân khu vực nhặt rác có thu nhập khá, hơn nữa giờ giấc tự do, nên chị nuôi ít heo lại, dành thời gian đi nhặt rác.
Chị tâm sự: “Vẫn biết rằng công việc này không được xã hội công nhận mà còn bị kỳ thị. Đó là chưa kể đến bệnh tật và nhiều mối nguy hiểm rình rập. Tuy nhiên, vì cuộc sống, vì không muốn con cái thất học như mình, nên cố gắng. Động lực lớn nhất để tôi khỏe “chiến đấu” với rác là con tôi không cần che giấu việc làm của mẹ nó…”.
Người mẹ đơn thân Nguyễn Thị Bé (34 tuổi, trú Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), cho biết chị đi nhặt rác từ năm 14 tuổi. Cũng nhờ công việc này, chị chăm lo, nuôi 2 con ăn học đàng hoàng.
“Tôi đã theo gia đình nhặt rác khi còn rất nhỏ. Vì gia đình sống ở khu vực này nên mùi rác cũng không lạ gì với chúng tôi. Lúc đầu, tôi cũng cảm thấy mệt, khó thở nhưng nghèo đói và cùng cực buộc chúng tôi phải lựa chọn công việc bần hàn này. Lâu dần thành quen. Giờ đây nó đã gắn liền với cuộc sống của mẹ con tôi. Chúng tôi không có nghề nghiệp, không vốn liếng, nên lấy rác làm nguồn sống. Tôi rất vui mỗi khi khi nhặt được một vài món đồ chơi đem về rửa sạch cho con. Dân nghèo không có tiền để có bữa cơm tươm tất lấy gì mua đồ chơi cho con”, chị chia sẻ.
Bãi rác hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Chia tay với những phận đời trong bãi rác vào chiều muộn, chạy xe trên con đường du lịch Bà Nà tráng lệ, nhìn về phía xa xa nơi góc núi, hình ảnh hàng trăm mái đầu lô nhô, hì hục đào bới trong bãi rác Khánh Sơn khiến chúng tôi không khỏi quặn lòng.