Trong những tháng gần đây, tội phạm mạng liên tiếp nhắm vào các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Cuộc tấn công nhắm vào đường ống dẫn dầu dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ trong các tháng 5, 6 và 7-2021 khiến việc mua bán nhiên liệu rơi vào khủng hoảng và trì trệ. Sau đó là cuộc tấn công mạng của JBS, dẫn đến việc đóng cửa tạm thời tất cả 9 nhà máy chế biến thịt bò của Mỹ. Một loạt cuộc tấn công nhắm vào McDonald’s, Electronic Arts, Volkswagen và Audi cũng khiến các công ty này phải siết chặt việc quản lý thông tin khách hàng và mã nguồn.
Trong tháng 7, Kaseya - công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp khác đã bị tấn công mạng. Theo hãng bảo mật Huntress Labs Inc., hơn 1.000 công ty tại ít nhất 17 nước trên thế giới bị tác động bởi vụ tấn công này. Riêng tại Mỹ, mạng máy tính của ít nhất 200 công ty bị tê liệt.
Chuỗi siêu thị ở Thụy Điển phải đóng cửa 800 cửa hàng khắp cả nước sau khi hệ thống thanh toán gặp trục trặc do hậu quả của vụ tấn công; hoạt động của một công ty đường sắt và một chuỗi nhà thuốc lớn tại nước này cũng bị gián đoạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nhận định, đây là vụ tấn công “nguy hiểm chưa từng có”, qua đó cho thấy các công ty và cơ quan nhà nước cần chuẩn bị để ứng phó với mối đe dọa này. Vụ việc cũng khiến Cục Điều tra liên bang (FBI) phải phối hợp với Cơ quan an ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) và các cơ quan liên bang khác của Mỹ mở cuộc điều tra để xác định phạm vi của mối đe dọa.
Vì lẽ đó, chính quyền Tổng thống J.Biden hy vọng rằng nhóm không chính thức do Washington mới thành lập - hay còn được biết đến với tên gọi “Sáng kiến chống Ransomware” - sẽ thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, bao gồm những cuộc đàm phán trực tiếp với Nga, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ Mỹ cũng đặc biệt mong muốn giải quyết “tình trạng lạm dụng tiền điện tử để rửa tiền chuộc” và có ý định “điều tra và truy tố tội phạm ransomware”.