Thời gian gần đây, công tác chuẩn bị đối phó với nắng nóng tại các thành phố Mỹ dần được cải thiện với việc dự báo trở nên chính xác hơn. Hiện thành phố Chicago đã mở rộng hệ thống thông báo bằng văn bản và email khẩn cấp, đồng thời xác định những cư dân dễ bị tổn thương nhất để tiếp cận trong những đợt cao điểm nắng nóng. Chicago cũng thực hiện nhiều thay đổi thông minh bằng cách triển khai kế hoạch khẩn cấp về nhiệt, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tạo các trung tâm làm mát. Tại thành phố Baltimore, hệ thống cảnh báo “Nhiệt độ cực cao - Mã đỏ” được ứng dụng có hiệu quả. Khi dự báo chỉ số nhiệt độ từ 40,5oC trở lên, cảnh báo sẽ được đưa ra và bắt đầu triển khai các hoạt động như đẩy mạnh dịch vụ xã hội trong các cộng đồng dễ bị rủi ro nhất. Một số thành phố như Miami, Phoenix hay Los Angeles đã bổ nhiệm các quan chức chuyên đối phó với nắng nóng.
Chính phủ Mỹ đã cho ra mắt trang web liên cơ quan Heat.gov cung cấp một số công cụ hữu ích như hướng dẫn về chỉ số nhiệt, hay theo dõi, dự báo tình trạng nắng nóng và tác động tới sức khỏe. Hiện có một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên thành lập một cơ quan ứng phó nắng nóng liên bang để theo dõi các chính sách từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn thành, cũng như lập kế hoạch cụ thể hỗ trợ những khu vực vốn không thường xuyên phải đối mặt với nắng nóng như vùng Tây Bắc nước Mỹ ven Thái Bình Dương. Dù đã có những cải thiện đáng kể trong việc đối phó nắng nóng, nhưng theo giới chuyên gia khí hậu, những bước đi mới tại Mỹ vẫn chưa đủ khi thế giới đang chứng kiến kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ và tồn tại bất bình đẳng với những người dễ bị tổn thương nhất.
Các thành phố nên giải quyết bằng cách đầu tư vào phát triển bền vững và thúc đẩy giải pháp bảo vệ môi trường. Giáo sư Eric Klinenberg tại Đại học New York nhận định: “Chưa có thành phố nào thực sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất mà một số nhà khoa học khí hậu lo sợ”. Nắng nóng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất so với các thảm họa thời tiết khác ở Mỹ. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ ước tính, hơn 1.300 người tử vong do nắng nóng mỗi năm ở nước này.
Trên khắp thế giới, các thành phố tại nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp đối phó với nắng nóng. Pháp triển khai hệ thống cảnh báo theo dõi nhiệt độ sau đợt nắng nóng kéo dài vào năm 2003 khiến 15.000 người tử vong. Nhiều người trong số họ là người lớn tuổi sống trong các căn hộ và nhà ở thành phố không có điều hòa nhiệt độ. Hệ thống cảnh báo này bao gồm các thông báo công khai kêu gọi mọi người tránh mất nước. Tháng 6 vừa qua, Đức đã phát động chiến dịch mới chống lại tử vong do nắng nóng, lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Pháp.
Sau đợt nắng nóng gay gắt tại Ấn Độ năm 2010 khiến hơn 1.300 người ở Ahmedabad tử vong, giới chức thành phố này lên kế hoạch hành động để nâng cao nhận thức người dân địa phương và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Trong đó, có sáng kiến sơn mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh nắng mặt trời.