Đồi núi Đà Nẵng bị băm nát

Ruộng vườn phải bỏ hoang do bị bồi lấp, không có nước tưới, nhưng người dân phản ánh thì các chủ mỏ khoáng sản nói là do thiên tai, thời tiết, chứ họ không đổ đất, đá xuống ruộng nên không chịu bồi thường thiệt hại cho người dân.

Trong quá trình đô thị hoá, nhiều khu dân cư mới của TP Đà Nẵng hình thành. Để có nguồn đất san lấp công trình, nhiều vùng đồi núi ở huyện Hòa Vang bị đào khoét, băm nát để khai thác khoáng sản. 

Nhiều vùng đồi núi ở huyện Hoà Vang bị đào khoét, băm nát


Lở loét khắp nơi

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực đèo ông Gấm, xã Hoà Sơn (huyện Hoà Vang), một vùng đồi núi rộng hàng nghìn mét vuông bị khai thác, đào bới nham nhở, bỏ hoang phế suốt cả năm qua. Mỗi lần trời mưa, nước bùn đỏ nhão nhoẹt chảy tràn ra ngoài đường. 

Cách đó gần 100m, mỏ đất đồi Sơn Phước (xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang) cũng bị băm nát. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp dừng khai thác, mỏ đất này cũng bị bỏ hoang phế, tạo thành những hố sâu hoắm.

Anh Lê Văn Viên, người dân ở gần đó phản ánh, khu vực này trước đây núi đồi xanh ngát, nhưng từ khi doanh nghiệp được phép khai thác khoáng sản, vùng đồi núi nơi đây bị “cạo trọc”, nham nhở. Nhưng không thấy doanh nghiệp cải tạo, phục hồi lại môi trường. 
Ở các thôn Phước Thuận, Thạch Nham Tây (xã Hoà Nhơn), Đại La (xã Hoà Sơn)... tình trạng đồi núi bị băm nát kiểu da beo, da báo cũng xảy ra phổ biến. 


Theo quy định của UBND TP Đà Nẵng, trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải cam kết phục hồi môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện phục hồi môi trường doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, kết quả thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo đề án thành phố Đà Nẵng phê duyệt tính đến 31-5, có 14/15 mỏ đang thực hiện dở dang, chưa hoàn thành nội dung cải tạo phục hồi môi trường. Chỉ duy nhất một đơn vị đang làm thủ tục đóng cửa mỏ.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường, việc cải tạo phục hồi tại các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang chưa được thực hiện. Có 8 mỏ phải tiếp tục thực hiện sang gạt mặt bằng, cắt tầng, trồng cây, lắp đặt biển báo, rào chắn; 6 mỏ tiếp tục trồng cây bổ sung, chăm sóc cây; duy nhất 1 mỏ cơ bản đã hoàn thành, đang làm thủ tục đóng cửa mỏ. 

Việc đa số các mỏ thực hiện chậm tiến độ, không đảm bảo thời gian theo quy định của thành phố đã làm cho đất đá đồi núi ngày càng sạt lở. Cảnh quan biến đổi, thay đổi địa hình tự nhiên. Mặt bằng sau khi phục hồi còn rất nham nhở, khối lượng san gạt mặt bằng còn lớn, việc cắt tầng không đảm bảo đúng yêu cầu theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, nhiều mỏ trong quá trình khai thác đã hình thành các ao hồ, hố sâu nguy hiểm… Chưa kể đến việc trồng cây không đúng quy cách, trồng ngay trên lớp đất đá, hoặc lớp đất mỏng và không quan tâm đến việc bón phân, tưới nước… dẫn đến cây chết. 

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng chây ỳ của chủ mỏ. Song song với đó là mức ký quỹ phục hồi môi trường trước đây của một số chủ mỏ quá thấp nên khi hết hạn khai thác đã trốn tránh trách nhiệm thực hiện phục hồi môi trường. Một số mỏ đã để lại mặt bằng nham nhở gây mất cảnh quan và nguy cơ sạt lở cao. Có hai mỏ chưa lập đề án đóng cửa mỏ đã bị xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 6 vừa qua. 

Mức ký quỹ phục hồi môi trường của một số chủ mỏ quá thấp nên khi hết hạn khai thác đã trốn tránh trách nhiệm phục hồi môi trường

Những hậu quả nặng nề 

Tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), hàng chục năm trôi qua, hàng trăm hộ dân của thôn Phước Thuận, phải chịu đựng cảnh 12 mỏ đá ngày đêm "tra tấn" bởi tiếng ồn, bụi bặm lẫn hàng trăm xe tải thay nhau băm nát tuyến đường giao thông duy nhất của thôn.

Con đường dẫn vào thôn với bề mặt nhựa rộng 3,5m nát như tương bởi xe vận tải đất, đá, để lại hiện trạng nham nhở ổ voi, ổ gà và đọng đầy bùn lầy vẫn chưa được cải tạo. Ruộng lúa cũng như đất sản xuất của người dân bị đất đá vùi lấp. Đa số nhà trong khu vực nổ mìn cũng chi chít vết nứt.

Bà Huỳnh Thị Hạ, tổ 2 thôn Phước Thuận (xã Hoà Nhơn) bức xúc: Nhà tôi có 4,5 sào ruộng, nhưng bị bồi lấp bùn đỏ sâu đến đầu gối khiến hơn một nửa không sản xuất được. Đến mùa, chỉ gieo sạ được vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì không có nước sản xuất do các mỏ đào đắp chặn mất khe nước.

“Ruộng vườn phải bỏ hoang do bị bồi lấp, không có nước tưới, nhưng người dân phản ánh thì các chủ mỏ khoáng sản nói là do thiên tai, thời tiết, chứ họ không đổ đất, đá xuống ruộng nên không chịu bồi thường thiệt hại cho người dân”, bà Hạ nói thêm.
Theo khảo sát của Ban đô thị Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, 15 mỏ trong đề án đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND TP phê duyệt chưa đảm bảo tiến độ. Việc khai thác khoáng sản làm biến đổi cảnh quan thay đổi địa hình tự nhiên. Mặt bằng sau khi phục hồi còn rất nham nhở, khối lượng san gạt mặt bằng còn lớn, việc cắt tầng không đảm bảo đúng yêu cầu theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, nhiều mỏ trong quá trình khai thác đã hình thành các ao hồ, hố sâu nguy hiểm…


Chưa kể đến việc trồng cây không đúng quy cách, trồng ngay trên lớp đất đá, hoặc lớp đất mỏng và không quan tâm đến việc bón phân, tưới nước… dẫn đến cây chết. 

Riêng đối với 4 mỏ đã để lại mặt bằng nham nhở gây mất cảnh quan và nguy cơ sạt lở cao, bồi lấp đất sản xuất của người dân, UBND thành phố giao cho huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ. Xử phạt hành chính 2 mỏ là mỏ đất đồi thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) và mỏ đất đồi thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh). 

Sáng 9-7, phóng viên báo SGGP liên lạc điện thoại với ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang để nắm thông tin về việc xử lý tình trạng doanh nghiệp chậm hoặc không phục hồi môi trường các mỏ đất, đá sau khi đóng cửa mỏ. Ông Hành cho biết công tác cải tạo vẫn đang thực hiện và không gặp bất kỳ khó khăn gì. Sau đó ông cho biết, ông đi công tác và không trả lời thêm gì nữa!

Tin cùng chuyên mục