Cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã khiến các quốc gia đang phát triển khó khăn hơn trong việc giải quyết những rủi ro ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường gây ra. Thực tế cho thấy, các nước có thu nhập thấp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép - vừa chịu áp lực trả nợ vừa phải đương đầu với các vấn đề môi trường nên “rất dễ bị tổn thương”. Với ngân sách vốn rất eo hẹp, các quốc gia này luôn phải sử dụng các khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giải quyết những tác động nghiêm trọng.
Nhiều chính phủ trong số này mong muốn nắm lấy một nền kinh tế xanh nhưng họ phải đối mặt với những gánh nặng nợ không bền vững. Nếu được nới lỏng gánh nặng nợ - vốn ở mức kỷ lục vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 - các nước nghèo có ít nguồn tài nguyên sẽ được đầu tư phục hồi và đây là yếu tố đưa thế giới vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.
Mặc dù chưa có mốc thời gian để công bố các biện pháp nhưng những đề xuất cụ thể có thể sẽ được công bố vào đúng thời điểm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra vào tháng 11 tại TP Glasgow (Anh). Cần có kế hoạch “đổi nợ” toàn cầu trước thềm COP 26 bởi vì khi các nước cập nhật kế hoạch khí hậu quốc gia của họ trong năm nay và kế hoạch phát triển bền vững, họ rất cần các nguồn lực để đáp ứng những cam kết đó. COP 26 được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện bản lề, thời khắc bước ngoặt để khái niệm kinh tế xanh được chuyển thành phục hồi xanh, với hàm ý kêu gọi các chính phủ tránh coi nhẹ chương trình phát triển bền vững trong cuộc đua phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ông Thierry Deau - người sáng lập, giám đốc điều hành của nhóm Meridiam có trụ sở tại Paris, chuyên phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng - cho rằng: “Sự lựa chọn này sẽ được gắn với các điều kiện rõ ràng để đảm bảo rằng việc xóa nợ trên thực tế dẫn đến việc triển khai các dự án xanh”.