Trong các quan hệ xã hội, quan hệ làm ăn, có nhiều trường hợp nợ lâu trả, khó đòi, và các công ty đòi nợ thuê đã ra đời để làm dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít nơi đã áp dụng biện pháp trấn áp, đe dọa, chửi mắng… để đòi nợ thuê.
Đòi bằng cách… đe dọa
Ông Ngô Nhật Thăng (ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM) phản ánh: “Do mối quan hệ bạn bè thân thiết, cách nay gần chục năm tôi bảo lãnh cho bạn tôi là Nguyễn Tấn Tùng vay của ông Nguyễn Hữu Mai số tiền 300 triệu đồng, tài sản thế chấp là sổ đỏ căn nhà của tôi. Việc thanh toán tiền lãi và nợ gốc do bạn tôi và ông Nguyễn Hữu Mai trực tiếp với nhau. Theo bạn tôi thì số tiền đã thanh toán gần hết. Còn ông Mai thì nói ngược lại và yêu cầu tôi phải thanh toán toàn bộ số tiền này. Tôi phải tiếp tục làm giấy cam kết và trả nợ giùm cho bạn tôi. Đến cuối tháng 2-2016, tôi nhận được thông báo ủy quyền đòi nợ của Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ Song Long. Nội dung thông báo cho biết ông Mai đã ủy quyền cho Công ty Song Long đòi tôi trả số tiền 300 triệu đồng và nợ lãi trước ngày 3-3-2016. Thiếu nợ thì phải trả, mình bảo lãnh thì phải chịu. Nhưng, tôi không chịu nổi với cách đòi nợ của các nhân viên Công ty Song Long”.
Được biết, sáng 2-3-2016, các nhân viên Công ty Song Long kéo đến công ty của ông Thăng (ở phường 7, quận Tân Bình, TPHCM) để đòi nợ. Đó là những người mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy người. Ông Thăng không có mặt tại công ty. Nhóm người này kéo đến nhà cha mẹ của ông Thăng đập cửa, la hét ầm ĩ và đe dọa tính mạng những người trong gia đình ông Thăng. Sáng hôm sau, nhóm người này tiếp tục đến công ty của ông Thăng và nhà cha mẹ ông, lớn tiếng hăm dọa, chửi bới. Ông Thăng cho biết: “Họ rất hung hăng, mắng chửi, đe dọa tính mạng tôi và gia đình. Tôi phải mời công an đến để ghi nhận vụ việc. Họ rải người khắp cả khu vực nhà tôi. Công ty làm dịch vụ đòi nợ thuê nhưng không theo một thủ tục pháp lý nào theo quy định về hoạt động dịch vụ đòi nợ, mà chỉ lớn tiếng đe dọa, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm chúng tôi”.
Vi phạm pháp luật
Đòi nợ thuê là công việc khó khăn, đòi hỏi những người làm dịch vụ này phải thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nghị định 104/QĐ/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ: Nghiêm cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ, tổ chức, cá nhân khác liên quan và thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền”. Nghị định này cũng quy định điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ là phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và không có tiền án.
Phóng viên Báo SGGP đã gặp Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM, để phản ánh vụ việc này. Đại tá Nguyễn Văn Dung cho biết: “Theo đơn trình bày thì cách hành xử của các nhân viên Công ty Song Long là vi phạm pháp luật. Chúng tôi ghi nhận trường hợp này và chỉ đạo cho Đội 4 - đơn vị nghiệp vụ quản lý các doanh nghiệp đòi nợ - để xác minh, điều tra. Nếu đúng như vậy chúng tôi sẽ có giải pháp xử lý nghiêm”.
ĐOÀN HIỆP