Sáng 29-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức hội thảo “Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ như TPHCM, Phú Yên, Đà Nẵng,…
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Trong 30 năm qua, quy mô kinh tế của tỉnh đã tăng gấp 19 lần, tốc độ tăng trưởng trung bình gần 11%/năm. Đạt được thành tựu này là nhờ tập trung chiến lược phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Hiện nay xu thế của thế giới đã chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất bao gồm vốn, con người, tiềm lực khoa học công nghệ. Năng suất có đóng góp trực tiếp từ công nghệ, trình độ quản lý, trình độ kỹ năng của lực lượng lao động và sự kết hợp tất cả các yếu tố này lại với nhau”.
Sự tăng lên của đội ngũ trí thức Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh. Năm 2018, đội ngũ lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên trong tổng số lao động của cả nước là hơn 6,9 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng là 1,6 triệu người, trình độ đại học là hơn 5 triệu người, trình độ thạc sĩ là 228.4456 người, còn lại số người có trình độ tiến sĩ tính đến hết quý 2 năm 2018 là 26.215 người.
Điều này, tác động đến lực lượng sản xuất, tăng năng xuất lao động, từ chỗ 52,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 đã tăng lên và đạt 102,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2018, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.
Trong tham luận của TS. Nguyễn Đình Bình (Trường Đại học Sài Gòn), ThS. Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Kinh tế-Luật), chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại mới còn bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với số lượng hiện có, cơ cấu lao động mặc dù đã có chuyển biến theo hướng ngày càng tích cực nhưng vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa vùng miền, ngành nghề,…Các nguồn nhân lực tập trung về các thành phố lớn, trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, trong khi các vùng khác lại thiếu nguồn lực để tạo sự bức phá.
Trong khi đó, tham luận của TS. An Thị Ngọc Trinh (Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM) trình bày vai trò trí thức nữ đang ngày càng tăng lên, hình thành đội ngũ chuyên gia có trình độ cao. Điển hình là năm 2015, TS. Trần Hà Liên Phương, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM, trở thành nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh nhà khoa học nữ tài năng thế giới trong chương trình L’Oreal –UNESCO International Rising Talent-Chương trình “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”. Đến năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM, một lần nữa ghi tên Việt Nam trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới của giải thưởng danh giá này.
KS. Phạm Văn Sơn, ThS. Đồng Nhật Thẩm (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi) đã nêu một điển hình trong Đề án thí điểm tuyển chọn tri thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, đề án 600, mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp như HTX Đức Tân, HTX Tịnh Thọ, HTX nông nghiệp 1 Bình Chương,…
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ đã đề xuất, đóng góp với 37 tham luận. Qua đó, vai trò, đóng góp của đội ngũ tri thức trẻ, tác động cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy tiềm lực của đội ngũ trí thức tại các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các bài học kinh nghiệm. Từ đó đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ.