Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, chương trình được tổ chức nhằm phát động trong toàn thể hội viên Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và đội ngũ doanh nhân trên cả nước bước vào năm mới với khí thế mới, tinh thần thi đua đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Các nội dung thi đua gồm: đóng góp ý kiến tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện chính sách quản lý và xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đón đầu lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới sáng tạo trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; nêu cao tính liêm chính, minh bạch, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra, Chương trình cũng tập hợp những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, doanh nhân về những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính hoặc những vấn đề chính sách cần tiếp tục hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; khuyến khích doanh nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng phát triển,… Những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổng hợp gửi Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành xem xét, giải quyết.
Dự kiến vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), lễ tổng kết chương trình thi đua sẽ vinh danh danh hiệu “Doanh nhân đổi mới sáng tạo tiêu biểu”.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò kinh tế tư nhân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, tham gia tích cực trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh. Kinh tế tư nhân góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp, cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ nước ngoài; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị ngành hàng và các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước nêu rõ, để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả, thực sự là “người lính trên mặt trận kinh tế”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực quản trị và kinh doanh. Cần chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu có nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ Việt Nam mang tầm quốc tế, góp phần chấn hưng đất nước và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, đổi mới, sáng tạo và hiện đại đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đạo đức, văn hóa kinh doanh, bảo vệ môi trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật, thông lệ quốc tế…
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân tư nhân nói riêng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.