Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; hiệp hội doanh nghiệp...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, từ Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các kênh đối ngoại, các lĩnh vực, các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Ngoại giao kinh tế đã huy động nhiều nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm. Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét. Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
Xác định đối ngoại địa phương là một trong những binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại, Bộ Ngoại giao đề cao tinh thần phụng sự, luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ, truyền thống đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước, bảo hộ công dân... Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm đối ngoại địa phương bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Bộ trưởng đề nghị, thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện, nên các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu. Phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu khẳng định, hợp tác quốc tế cấp độ địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận quốc tế với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài, tăng 111% so với giai đoạn trước. Số lượng đoàn lãnh đạo địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đi nước ngoài là 298 đoàn, tăng 60% so với 186 đoàn của giai đoạn trước.
Việc gia tăng về lượng và chất của các hoạt động này đã đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh và tiềm năng của các địa phương. Công tác ngoại giao kinh tế phát huy vai trò là động lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững của các địa phương. Tổng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2023 đạt 48,2 tỷ USD tăng 22% so với giai đoạn trước, phủ sóng tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác ngoại giao văn hóa được chú trọng với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, sáng tạo, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Về định hướng công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trong thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu khẳng định, cục tiếp tục quán triệt phương châm “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngoại giao” cho lãnh đạo một số địa phương và lãnh đạo một số Sở Ngoại vụ; tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác ngoại vụ địa phương giai đoạn 2020-2022.