Dời ngày thu phí vì mục tiêu “kép”

Ngày 23-6, liên quan đến việc tăng mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi HĐND TPHCM, kiến nghị dời thời gian áp dụng việc thu mức phí tăng từ 0 giờ ngày 1-7-2021 sang 0 giờ ngày 1-10-2021. 

Lý giải nguyên nhân này, UBND TPHCM cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. TPHCM cũng đã có các văn bản chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội; lần 1 trong 14 ngày (từ 0 giờ ngày 31-5) và lần 2 thêm 14 ngày (từ ngày 15-6). Thực tế này khiến nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh phải tạm ngưng. Đời sống của người lao động và người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. 

Mặt khác, việc điều chỉnh thời gian thu phí trên sang đầu tháng 10 được xem là thời điểm thích hợp. Bởi thời điểm đó, thành phố đã có thể kiểm soát được dịch bệnh, việc tiêm vaccine Covid-19 đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng và các doanh nghiệp cũng đã có thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh. Có thể nói, việc điều chỉnh thời gian thu phí như trên sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Cũng theo tính toán của UBND TPHCM, số thu dự kiến trong 3 tháng thực hiện hoãn áp dụng mức phí tăng là 727 tỷ đồng. Khoản thu này được xem như là một khoản chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngày 9-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có bài viết Chi phí sản xuất tăng cao “bào mòn” nội lực doanh nghiệp; phản ánh ý kiến nhiều doanh nghiệp xoay quanh vấn đề tăng mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố, dự kiến bắt đầu vào ngày 1-7-2021. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cộng với việc tăng phí hạ tầng cửa khẩu cảng biển nói chung và tại TPHCM nói riêng sẽ khiến doanh nghiệp khó chồng khó. 

Như vậy, có thể nói đề xuất nêu trên của UBND TPHCM là hoàn toàn hợp lý. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực, thực phẩm, đang phải nỗ lực giữ ổn định giá cả, tăng cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân thành phố. Chưa kể, đây còn là động thái hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp vừa kịp thời, vừa nhanh chóng khi nhiều giải pháp hỗ trợ khác còn mất khá nhiều thời gian để triển khai và làm các thủ tục cần thiết.

Tin cùng chuyên mục