LTS: Vào những ngày cuối cùng trước khi bước vào năm mới 2018, Hội nghị thường niên của Chính phủ đã diễn ra với mức độ long trọng chưa từng có. Đó là sự có mặt đầy đủ các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhiều ủy viên Bộ Chính trị phụ trách các lĩnh vực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, nhấn mạnh: “Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước, mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”. Vậy những cản ngại nào đang đặt ra và cách hóa giải thách thức ra sao?
Nhìn nhận đúng thực tế
Năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm nước ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% đề ra, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu đạt 2,7 tỷ USD; khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm qua, tạo đà năm mới hanh thông hơn.
Kết quả GDP tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước cho thấy quyết tâm của Chính phủ và các giải pháp điều hành đã phát huy hiệu quả. Đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; bảo vệ lợi ích chính đáng người sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ giới doanh nhân tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017
Một điểm rất nóng đã được Thủ tướng tháo gỡ: Ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần/năm đối với mỗi doanh nghiệp.
Nhờ nỗ lực chung “đoàn kết, đồng lòng” của cả hệ thống chính trị, niềm tin và sự hứng khởi được khơi dậy, lan tỏa rộng trong xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục với 126.850 doanh nghiệp và 26.450 doanh nghiệp hoạt động trở lại, cho thấy xu thế khởi nghiệp đang lan rộng.
Những chỉ số kinh tế - xã hội đạt được trong năm qua là ấn tượng, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một điều rất đáng lưu tâm ngay cả ở nghị trường Quốc hội vào kỳ họp cuối năm và trên các diễn đàn khác, nhiều đại biểu, giới chuyên gia lại bày tỏ tâm trạng băn khoăn, chưa thật sự phấn khởi, an tâm.
Đó là chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, việc xử lý nợ xấu khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn chưa đạt kế hoạch.
" Bước vào năm 2018 và hướng tới năm 2021, Chính phủ thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm nay và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả. Chính phủ quyết tâm siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng nền công vụ tận tụy, trong sạch; quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu.
Hãy sáng tạo, luôn tìm ra giải pháp tốt; tối ưu để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới công nghệ liên tục thay đổi. Cùng hành động với mục tiêu đưa nước ta bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không bị giẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến khá giả, phồn vinh "
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
(Trích phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ngày 28-12-2017)
GDP năm 2017 tăng trưởng mạnh vào 6 tháng cuối năm là do đột phá từ ngành công nghiệp chế tạo - chế biến; trong đó chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của Samsung và xuất khẩu thép Formosa. Nhưng các doanh nghiệp này cũng như khu vực FDI nói chung, thành quả họ hưởng, chuyển về nước; còn hoạt động chủ yếu mang tính gia công, thâm dụng đất đai, lao động và năng lượng. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế, việc chuyển giao công nghệ chỉ ở mức khiêm tốn...
Nhìn vào thực trạng nền kinh tế, nhiều chuyên gia bày tỏ: Đằng sau con số tăng trưởng cần xem thực chất ta làm được đến đâu, làm gì để nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài? Những ngày đầu năm mới, bối cảnh kinh tế vẫn diễn biến bất ổn: Thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, bất định như xu hướng bảo hộ, đối đầu địa chính trị gia tăng, xung đột bùng phát.
Trong nước các yếu kém cố hữu vẫn hiển hiện, vì vậy rất cần một cuộc lột xác tái cấu trúc nền kinh tế, xử lý hài hòa giữa mục tiêu ngắn hạn và phát triển bền vững. Chính vì điều này, giới phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua 6,5%-7%, thấp hơn mức đạt được năm trước là hợp lý, thận trọng.
Nhìn về năm cũ với những kết quả đạt được, nhiều người đồng tình với nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đạt 2.385USD thì có gì mà quá phấn khởi, là nỗi buồn mới phải khi thu nhập của người dân vẫn còn quá thấp”.
Kết luận tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh cần bảo đảm tính bền vững của phát triển, của tăng trưởng. Đó là xã hội phải bình yên, an toàn hơn. Người nghèo phải được cải thiện cả vật chất và tinh thần.
Đòi hỏi bức thiết: thích nghi thời đại
Việt Nam là nước đang phát triển nên cần tốc độ tăng trưởng cao để bắt kịp các nước khác. Nhưng để làm được điều này là việc không dễ dàng, đòi hỏi phải hóa giải được các thách thức: tình trạng “lệch pha” trong nền kinh tế giữa khu vực FDI và trong nước; nhanh chóng chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế để hình thành những mũi nhọn chủ lực; nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh; tiếp tục cải cách thể chế và hiệu quả quản trị - điều hành, thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trong khi chúng ta vẫn loay hoay với vấn nạn cũ thì thế giới lại tiến quá xa. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đi vào thực tế ứng dụng mạnh mẽ không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả thực tế đời sống người dân, tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: “Nếu 3 cuộc cách mạng trước đây là theo logic tuyến tính, thì cuộc cách mạng 4.0 không như vậy. Nó đổ ụp xuống, tác động mạnh tới hầu hết các nền kinh tế, tất cả các quốc gia. Với Việt Nam, điều này tạo ra cơ hội rất lớn, nhưng cũng đối mặt các thách thức không nhỏ”.
Một trong những khuynh hướng của cuộc cách mạng 4.0 là sử dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất, giảm chi phí vận hành thủ công, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, điều khôn ngoan là không nên quay lưng với cái mới, mà phải đi đầu ứng dụng, nếu không sẽ thất bại.
Sản xuất tại Công ty Hansae - Hàn Quốc, KCN Tây Bắc Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào thích ứng thời đại, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức; đã bày tỏ: Trong bối cảnh thế giới phẳng, nếu có sự lo sợ nào đó là lo nước ta chậm chân, lỡ mất thời cơ.
Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ầm ập đổ đến, tác động ngay cả những chuyện nhỏ nhất như vận tải taxi, bán hàng trực tuyến, mà tư duy của người quản lý, doanh nghiệp vẫn là nền tảng 2.0, 3.0 thì không thể nào thích ứng với 4.0.
Đòi hỏi bức thiết đặt ra là nâng tầm nhận thức, thích ứng với các phát kiến mới, cùng tham gia vào tiến trình này. Công tác quản lý cũng không chỉ nhằm “theo kịp sự phát triển”, mà phải vươn tầm thời đại, bắt nhịp cùng sự phát triển.
Cũng cần phải nói cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là chuyện trên trời. Báo chí đưa thông tin: Vì sao chức sắc khoa bảng “bó tay” với phát kiến mới, mà ở Hải Dương, ông Phạm Văn Hát, 45 tuổi, nông dân mới học hết lớp 7, đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp, như máy đánh luống, máy thu hoạch rau, máy cày hai lưỡi...
Điểm đặc biệt, ông Hát đã sáng chế robot gieo hạt tự động, được nhiều quốc gia săn đón, đặt hàng; bán mỗi chiếc được 3.500USD, xuất khẩu đến 14 nước!
Trước những thay đổi, diễn biến nhanh chóng của thế giới công nghệ, một số ý kiến lo ngại nếu doanh nghiệp, giới nghiên cứu nước ta không sớm có giải pháp và bước tiến mạnh mẽ thì sẽ phải nhường “sân chơi” cho nước ngoài; một số lĩnh vực sẽ bị thao túng, thu hẹp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trăn trở: “Đất nước có thể phát triển mạnh mẽ một khi khơi dậy được khát vọng và sáng tạo, nâng cao được dân trí, tăng cường được tiềm lực khoa học công nghệ. Mỗi người dù trình độ, hiểu biết ở mức nào cũng đều cần và đều có thể cùng nhau, giúp nhau tìm hiểu, tạo ra và cống hiến tri thức bằng nhiều cách. Đó là hành động đúng đắn và hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tâm thế mới, kỳ vọng mới
Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề quyết định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bước vào năm mới ta có được “nguồn vốn” tích lũy quan trọng: Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện hơn trước. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển kinh doanh...
Trong năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng với tư duy phát triển mới, xây dựng thể chế thị trường công khai, minh bạch, bình đẳng. Đáng chú ý lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trồng lan cho thu nhập cao ở xã nông thôn mới Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG
Với định hướng xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, kinh tế tư nhân được tham gia tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đây là phương sách quan trọng nhằm giải phóng sức sản xuất thời kỳ mới; huy động, phân bổ và tạo điều kiện phát huy mọi nguồn lực trong công cuộc phát triển.
Lạc quan, bước vào năm mới với tâm thế mới nhưng không phải đã hết những âu lo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy việc làm con người mất dần vào tay robot, trí tuệ nhân tạo, các thiết bị thông minh; phá vỡ thị trường lao động. Nhân công đơn giản, giá rẻ không còn là lợi thế, do vậy cần nguồn nhân lực có kỹ năng mới, thích nghi và cạnh tranh được với máy móc.
Đến nay nước ta tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số lao động. Riêng lĩnh vực IT đang thiếu hụt trầm trọng, là điểm nghẽn cần bổ khuyết kịp thời.
Bức tranh toàn cảnh 2018 cũng không hoàn toàn sáng sủa. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra dự báo: nguy cơ xung đột quốc tế gia tăng; hệ thống quản trị quốc gia xáo trộn và khủng hoảng; thảm họa thiên tai và thời tiết cực đoan; tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu bùng phát...
Việt Nam không thể tồn tại ngoài luồng biến động đó, nên mặc dù vẫn đánh giá cao tốc độ và kết quả đạt được, nhưng các tổ chức quốc tế IMF, WB, ADB đều dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 6,3%-6,7%, thấp hơn mức thực tế 2017.
Chúng ta vừa trải qua một năm với nhiều cung bậc cảm xúc, bước vào năm mới với tâm thế lạc quan. Vậy khả năng nền kinh tế có lập lại kỳ tích cũ?
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nêu nhận xét: Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 8%-9% thay vì loay hoay với mức 6%-7% như hiện nay.
Ông cho rằng điều này nằm trong tay Chính phủ, nếu có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn; phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Ông Cung đưa ra “đáp án”: cần tiếp tục cải thiện khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tăng kết nối doanh nghiệp trong nước và FDI, cắt giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp... Đó chính là dư địa cho tăng trưởng nước ta thời gian tới.