Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Năm 2024, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số.

Anh HN So huu tri tue 2.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh T.B.

Ngày 29-3, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý Nhà nước về SHTT hàng năm và định hướng cho hoạt động SHTT trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo báo cáo của Tổ chức SHTT thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022); là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.

Anh HN So huu tri tue 1.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.B.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT trong năm 2024 và các năm tiếp theo đang đứng trước thách thức to lớn, cần phải đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả về tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương…

Anh HN So huu tri tue 4.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh T.B.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở SHTT, năm 2023, hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; trong đó, nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành với việc ban hành 3 nghị định, 2 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022. Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh.

Anh HN So huu tri tue 3.jpg
Phó Cục trưởng Cục Sở SHTT Nguyễn Văn Bảy trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh T.B.

Năm 2024, trên cơ sở bám sát nội dung của Chiến lược SHTT đến năm 2030; đồng thời, từ thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT và điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, Cục SHTT sẽ thực hiện giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT. Đồng thời kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý Nhà nước về SHTT.

Đặc biệt, tập trung giải pháp về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong bảo vệ quyền SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; phân tích thông tin sở hữu công nghiệp và dự báo xu hướng phát triển công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Anh HN So huu tri tue 5.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh T.B.

Năm 2023, Cục SHTT tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), bao gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%). Cục đã xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).

Năm 2023, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có có 3.049 vụ xâm phạm quyền đã được xử lý (chủ yếu là đối với nhãn hiệu) với tổng số tiền phạt hơn 36,7 tỷ đồng và hơn 340.000 sản phẩm bị xử lý, tăng 213% về số vụ và 204% tổng số tiền phạt so với năm 2022.

Năm 2023, đã có hơn 4.500 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH-CN tư vấn, hướng dẫn về sở hữu công nghiệp, trong đó có 4.141 lượt về nhãn hiệu, 168 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 172 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác SHTT. Một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này như Bình Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Gia Lai…

Đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau. Trong năm 2023, đã có 168 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 153 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 253 doanh nghiệp và 283 tổ chức tập thể được hỗ trợ, 146 lớp tập huấn về SHTT được tổ chức với 10.935 lượt người tham dự...

Tin cùng chuyên mục