Cởi bỏ tâm lý cho người dạy
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không phải môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó phân thành 2 loại. Loại 1 là trải nghiệm thực tế kiến thức trong từng môn học. Loại 2 là hoạt động trải nghiệm mang tính tích hợp, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tế đời sống, cũng như tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên.
Như vậy, hoạt động trải nghiệm được phân bổ thời lượng chính thức trong chương trình chi tiết các môn học thuộc loại 2, gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đội, Đoàn), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng…
Trước lo lắng về việc “Lấy giáo viên ở đâu để dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bất kỳ giáo viên nào được đào tạo từ trường sư phạm đều có thể hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bên cạnh đó, theo PGS-TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm, hoạt động được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học theo nhiều quy mô như cá nhân, nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường. Trong đó, cấp tiểu học có tên gọi là hoạt động trải nghiệm, 2 cấp THCS và THPT được mở rộng là trải nghiệm - hướng nghiệp.
Đặc biệt, xuyên suốt 12 khối lớp, chương trình đều hướng đến những nội dung mang tính mở. Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra các mục tiêu, yêu cầu cần đạt và một số gợi ý về nội dung tổ chức. Khi đưa vào thực hiện, các trường có thể dựa vào điều kiện thực tế xây dựng những nội dung triển khai cụ thể. Song, cũng chính vì độ mở của chương trình khiến nhiều giáo viên lo lắng vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh.
Giải đáp băn khoăn này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đánh giá năng lực học sinh không phải chỉ thông qua hoạt động trải nghiệm mà còn ở nhiều môn học khác. Vì vậy, để có thể đánh giá kết quả trải nghiệm cần có quá trình theo dõi thường xuyên trong một khoảng thời gian nhất định. Với đặc thù giáo dục của Việt Nam, ban soạn thảo đưa ra 12 mốc đánh giá tương ứng với 12 năm học để có thể đánh giá phần nào sự tiến bộ, phát triển của người học. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khuyến cáo, các mục tiêu chỉ mang tính tham khảo, các trường không nên áp dụng cứng nhắc vì còn gắn với đặc điểm văn hóa, xã hội từng vùng, miền.
Cần thêm hướng dẫn về tài chính
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng hệ thống Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc, lo ngại vấn đề tài chính khi hầu hết hoạt động trải nghiệm đều cần kinh phí đưa học sinh ra ngoài trường học, tiếp cận môi trường thực tế, tham gia các hoạt động tham quan, dã ngoại. Mới đây, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức, đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, tính liên thông giữa các luật chưa có.
Ngoài ra, hiện nay hình thức tổ chức tiết học ngoài nhà trường dù được các đơn vị tham gia thí điểm đánh giá có hiệu quả, kết hợp được học tập, nghiên cứu với giải trí, thực hành, qua đó giảm áp lực học tập cho học sinh, nhưng theo phản ánh của nhiều đơn vị, chi phí 200.000 đồng/học sinh/lần tham gia là khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân thành phố. Nếu thực hiện phép so sánh, học phí bậc THPT theo quy định hiện nay hơn 100.000 đồng/học sinh/tháng. Trong khi đó, tham gia tiết học kéo dài 2 - 3 tiếng theo hình thức tham quan thực tế, phụ huynh phải trả chi phí gấp đôi. Đây cũng là lý do vì sao ở một số khu vực vùng ven, huyện ngoại thành, các trường chưa thể đẩy mạnh hình thức học tập này.
Từ thực tế đó, Th.S Cao Minh Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký, kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM tham mưu UBND TP tổ chức một số chuyến xe buýt phục vụ học sinh tham quan, học tập tại một số địa điểm nổi tiếng. Vị này lý giải, chi phí đi lại bằng xe buýt trong những tuyến đường nội thành hiện nay khá tiết kiệm vì được trợ giá, nhưng không phải khung giờ nào cũng hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, để tổ chức tiết học tại các địa điểm bên ngoài, nhà trường phải hợp đồng xe vận chuyển học sinh với chi phí khá cao, đòi hỏi sự đóng góp từ phía phụ huynh. Do đó, nếu tận dụng được các hình thức vận chuyển hành khách công cộng sẽ kéo giảm chi phí tổ chức, qua đó có thêm sự ủng hộ của phụ huynh và thuận lợi cho các trường trong việc tổ chức.