Xã hội nước ta đã có nhiều thay đổi lớn từ gần 35 năm đổi mới. Ngày nay, trước vận hội mới của thời đại 4.0, chúng ta một lần nữa cần nhìn lại những thành tựu đã đạt và hoạch định chiến lược tương lai. Kỷ niệm 90 năm sinh nhật Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xin được đề cập một nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội rất cơ bản: Chiến lược phát triển bền vững.
Chúng ta đang sống giữa thời kỳ dồn dập những chuyển biến nhanh chóng, bất ngờ của thế giới và của xã hội ta. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GDP) hàng năm của nước ta đã không ngừng tăng lên, mới nhất là 7,02% năm 2019 và thuộc vào loại cao của thế giới; GDP bình quân đầu người từ khoảng 100USD/người trước đổi mới đến nay là 3.000USD/người cả nước và 7.000USD/người ở TPHCM; chỉ số giáo dục, y tế tăng, tuổi thọ tăng…
Nhưng lại có không ít những sự thật đáng lo khác. Đó là môi trường bị ô nhiễm, nhất là ở Hà Nội và TPHCM - 2 trung tâm kinh tế lớn nhất nước ta; là trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng - mà tương lai không xa Việt Nam ở trong 5 nước bị ngập nặng nề nhất; là ma túy, tệ nạn xã hội, phạm pháp xuyên quốc gia gia tăng chưa ngăn được; là đạo đức xã hội xuống cấp…
Tất cả những sự thật tích cực và tiêu cực đó đan xen trong xã hội ta, đặt lên bàn nghị sự của Đảng ta từ cấp cơ sở lên tới Trung ương gay gắt và cấp bách: Phải làm gì? Câu hỏi đó không chỉ dành cho các cấp ủy mà mỗi đảng viên phải suy nghĩ để góp sức cùng Đảng, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Thứ nhất, đầu tư xây dựng con người là yếu tố tiên quyết để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Con người là trung tâm của phát triển xã hội. Hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, cộng đồng và lợi ích toàn xã hội là yêu cầu tối cao của mỗi bước phát triển của đất nước, trên cơ sở giác ngộ cá nhân, đồng thuận xã hội và kỷ cương luật pháp nghiêm minh.
Thứ hai, phát triển kinh tế xã hội bền vững - là sự phát triển đảm bảo đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai. Không được vin vào mục tiêu xây dựng tương lai mà hy sinh xã hội hiện tại, không dựa vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt để làm tổn hại tương lai, xem nhẹ trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai của muôn loài. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ cần chủ trương kiên quyết cấm khai thác thương mại cát sông, cát biển và nước ngầm để ngăn chặn lún sụt, sạt lở làm biến dạng đồng bằng và tác hại đời sống nhân dân. TPHCM cần cân nhắc thận trọng dự án lấn biển Cần Giờ để xây dựng đô thị làm ảnh hưởng tiêu cực môi trường khu Dự trữ sinh quyển thế giới và đời sống dân cư. Đặc biệt nguy hiểm là riêng dự án lấn biển Cần Giờ đã lấy mất 92 triệu m3 cát từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba là tập trung vào phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ta cơ hội lớn để tiến vào thời đại mới. Một mặt đi thẳng vào cách mạng công nghiệp 4.0 có chọn lọc, mặt khác khẩn trương đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm hiện đại hóa và tái cấu trúc các ngành công nghiệp. Định hướng ngành nghề trên toàn địa bàn TPHCM tập trung vào các ngành công nghiệp hiện đại và công nghiệp công nghệ cao, đồng thời tập trung nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành. Xây dựng, phát triển thêm các khu công nghệ cao, công viên khoa học công nghệ, khu công nghệ cao chuyên ngành, khu phần mềm - công nghệ thông tin, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp hữu cơ…
Thứ tư là ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xử lý môi trường ô nhiễm, tôn tạo môi trường sinh thái. TPHCM và các thành phố khác, các đô thị, các khu công nghiệp… cần đi đầu đổi mới tư duy sử dụng năng lượng: điều chỉnh nền công nghiệp hiện nay theo hướng tiết kiệm tối đa vật liệu và năng lượng, hạn chế tối đa đi tới giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch, phát triển nhanh năng lượng tái tạo, hướng tới nền kinh tế xanh. Xu hướng tương lai của thế giới là nền kinh tế xanh để giải quyết những bất cập của năng lượng hóa thạch và hóa chất có nguồn gốc hóa thạch. Như vậy, cần xác định quan điểm tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta theo hướng chuyển từ quan điểm chạy theo sản xuất sản lượng lớn sang sản xuất chất lượng cao, giá trị cao. Cần vận động nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để giảm dần, tiến tới hạn chế tối đa việc sản xuất bằng hóa chất, thay thế bằng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và phân bón hữu cơ. Đồng thời chuyển từ phụ thuộc sang chủ động thị trường, sản xuất theo yêu cầu thị trường, tiêu thụ theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ cụ thể.
Thứ năm là phát triển kinh tế bền vững, không chấp nhận du nhập hoặc xây dựng mới các cơ sở chứa đựng nguy cơ đầu độc, phá hoại kinh tế và xã hội trong tương lai như sòng bạc, cá độ, mại dâm, nhà máy điện hạt nhân, công nghiệp độc hại, tùy tiện sử dụng năng lượng hóa thạch và hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm…
Nhiều nghị quyết của Đảng yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, phải chăng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa kinh tế thế giới đã cho ta lời giải tuyệt vời: Đó là phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức dựa vào con người và nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa vào thiên nhiên. Tôi tin vào hướng đổi mới tư duy đó, bởi vì “Lịch sử chỉ đặt ra những vấn đề mà con người có thể giải quyết”.