Đổi mới tư duy, cách làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại

Sáng 7-8, tại Hòa Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 cho lãnh đạo, cán bộ 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ và đại diện các cơ quan báo chí.

HN tap huan Hoa Binh 3.jpg
Các đồng chí chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền, đồng chủ trì hội nghị.

HN tap huan Hoa Binh 15jpg.JPG
Đồng chí Phan Xuân Thủy, thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tỉnh ủy Hòa Bình. Ảnh: TRẦN BÌNH

Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ TT-TT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP (ngày 15-4-2024) của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW (ngày 15-6-2023) của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ; những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW (ngày 16-2-2024) của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề quyền con người; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương; định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền...

HN tap huan Hoa Binh 4.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH

Về chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) Đinh Tiến Dũng cho biết, chương trình hành động được xây dựng theo hướng tiếp cận, đổi mới cách làm thông tin đối ngoại nhằm triển khai các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Theo đó, coi việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Xác định rõ vai trò chủ trì trong công tác thông tin đối ngoại, chú ý phân vai, phân nhiệm rõ, tránh chồng chéo, phát huy vai trò chủ trì để dẫn dắt, điều phối và đánh giá hiệu quả thông tin đối ngoại.

HN tap huan Hoa Binh 2.jpg
Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH

Chương trình được thực hiện đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác thông tin đối ngoại, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn; coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại; gắn thông tin đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên các lĩnh vực, góp phần tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, các nhiệm vụ về thông tin đối ngoại của bộ, ngành, địa phương được thực hiện trên cả không gian thực và không gian mạng. Đặc biệt, cần coi không gian mạng như một không gian mới để bảo vệ chế độ, để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại.

Mỗi bộ, ngành, địa phương (trừ các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại) cần bố trí ít nhất 1 vị trí việc làm chuyên trách về thông tin đối ngoại; đảm bảo bố trí, phân công nguồn lực phù hợp, hiệu quả đối với các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại.

“Các cơ quan chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong dự toán giao hàng năm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại; khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại”, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

HN tap huan Hoa Binh 1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới gắn với đặc thù từng địa phương, ông Đinh Tiến Dũng đề xuất các địa phương nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương một cách tổng thể, lồng ghép các hoạt động thông tin đối ngoại, hoạt động ngoại giao văn hóa, văn hóa đối ngoại trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó làm cơ sở để triển khai hiệu quả quảng bá hình ảnh địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

Đồng thời, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá văn hóa địa phương trên cơ sở đặc thù riêng của từng nơi, từ đó, thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên kết vùng.

Tin cùng chuyên mục