Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng chủ trì hội nghị.
Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cũng như vai trò, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong thời gian qua, cấp công đoàn đã tập trung toàn lực đại diện bảo vệ quyền lợi, chăm lo hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch.
Tổng Liên đoàn đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời trực tiếp ban hành nhiều chính sách, gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: hỗ trợ người lao động là F0, F1, bị giãn việc, mất việc, bị cách ly, phong tỏa; hỗ trợ dinh dưỡng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", hỗ trợ dinh dưỡng cho lực lượng y tế chống dịch; miễn đóng đoàn phí cho người lao động khó khăn, lùi đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp khó khăn...
Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được công đoàn sáng tạo như: siêu thị 0 đồng, xe buýt siêu thị 0 đồng, bếp ăn yêu thương, đi chợ giúp nhau, tổ an toàn Covid-19... Chỉ tính riêng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, các cấp công đoàn đã chi hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Nhờ vậy, vị thế của Công đoàn Việt Nam ngày càng cao.
Năm 2022, Công đoàn Việt Nam đã triển khai sớm "Tháng công nhân", đang triển khai Chương trình 1 triệu sáng kiến... Vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia đàm phán, đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động với mức tăng 6% ngay từ ngày 1-7-2022.
"Khả năng lương tăng từ ngày 1-7 là rất khả thi mặc dù một số hiệp hội doanh nghiệp có ý kiến lùi thời điểm áp dụng. Nếu không tăng lương thì quan hệ lao động sẽ vô cùng phức tạp", ông Ngọ Duy Hiểu nói và cho rằng, đề xuất này là rất cần thiết, mặc dù mức lương tăng cho người lao động cũng không bù được tăng giá mà chỉ giúp vơi đi một phần khó khăn. "Người lao động hầu như là đi xe máy, nên khi giá xăng tăng cao sẽ rất khó khăn", ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ. |
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, nhất là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
"Hoạt động của các cấp công đoàn đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao", ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài khẳng định Nghị quyết 02 là nghị quyết quan trọng, có tầm nhìn rộng, thay đổi căn bản hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Tán thành quan điểm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng tổ chức công đoàn cần đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai nghị quyết này, như nâng cao thu nhập và đời sống, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ... Những địa phương chưa có chương trình, kế hoạch thì cần tập trung triển khai; những địa phương có đông lao động có thể tiến hành tổng kết sau 5 năm để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tốt.
Tại hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam và một số ban Đảng của Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 02 tại 5 tỉnh, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương trong tháng 7 và 8-2022. Trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng ý với kế hoạch này nhưng đề nghị triển khai vào quý 4-2022 hoặc đầu năm 2023. |