Đổi mới tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội để xuất khẩu nông sản

Chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp, diễn ra ngày 5-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị ít nhắc đến những khó khăn, để tập trung nhiều vào “từ khóa” là giải pháp.

Gạo và rau quả bứt tốc

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường rất khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm khá cao - 3,07%.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng 6 tháng qua, có những mặt hàng xuất khẩu được coi là “bội thu”, chẳng hạn như lúa gạo, các loại rau quả, nhất là sầu riêng… Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử.

“Nếu giữ đà tăng trưởng, chắc chắn cả năm đạt trên 5 tỷ USD” - ông Việt dự báo. Nhờ một số mặt hàng bứt tốc nên nhóm nông sản chính có kim ngạch xuất khẩu 12,79 tỷ USD, tăng 12%. Tuy vậy, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như gỗ và thủy sản lại giảm rất mạnh (như thủy sản giảm 27,4%; lâm sản chính giảm 28,2%).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm vườn vải thiều ở thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm vườn vải thiều ở thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá, trong 8-10 năm qua, xuất khẩu đồ gỗ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, nhất là trong quý 1-2023 (cuối quý 2, tình hình có khởi sắc hơn).

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm nay, xuất khẩu lúa gạo trở thành điểm sáng. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất được 4,27 triệu tấn (tăng 22,2%), thu về 2,3 tỷ USD; đã sản xuất được 22,8 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, do tác động của El Nino nên vụ lúa đông xuân sắp tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

“Để vừa đảm bảo sản lượng cả năm, vừa tránh được thiệt hại do xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt xem xét điều chỉnh cơ cấu vụ lúa hè thu và đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nam đề xuất.

Kéo chợ về vườn

Về thị trường, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đây là vấn đề khó khăn. Với 3 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, mặc dù xuất khẩu gạo và rau quả rất tốt nhưng gỗ và thủy sản giảm mạnh, đặc biệt là tôm. Do đó, giải pháp trong 6 tháng cuối năm là tập trung xúc tiến thương mại để xuất khẩu nông sản vào các thị trường này và các tham tán thương mại nắm bắt nhu cầu của các nhà nhập khẩu.

Ông Nam cũng cho biết, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý kéo dài thời gian thông quan, xem xét mở rộng quy mô, danh mục nông sản xuất sang Trung Quốc. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt… chuẩn bị nội dung để đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

“Về lâu dài, cần xây dựng một hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) để tạo ra chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, xuất khẩu chính ngạch, tránh nhỏ lẻ như hiện nay”, ông Nam nêu giải pháp.

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu, gồm cả thị trường truyền thống và mới mở; nhất là tận dụng các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ doanh nghiệp ký đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm nhiều hơn, khai thác mạnh hơn thị trường trong nước với nhiều cách thức xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xác định khoa học - công nghệ là giải pháp đột phá mang lại sự phát triển của ngành theo hướng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp, trong đó, thay vì tập trung vào sản lượng thì cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của mỗi nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản cần hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng nuôi biển gắn với việc khai thác, xử lý, chế biến phế, phụ phẩm của ngành hàng này.

Dẫn ví dụ tỉnh Bắc Giang năm nay có cách làm mới lạ, đa dạng, thu hút sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau để giúp tiêu thụ vải thiều, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, đây là gợi ý cho nhiều địa phương học tập, dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, “tìm con đường khác để ra thị trường, không chỉ dừng lại ở cách cũ”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận: “Thay vì phải đem nông sản ra chợ để bán, bây giờ nông dân Bắc Giang đang kéo chợ về vườn của mình”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, đây là hội nghị để tìm ra giải pháp, “từ khóa” của hội nghị này là giải pháp, các đơn vị phải khẳng định là sẽ làm gì, xử lý các vướng mắc như thế nào, chứ không phải để than khó. Khó nhưng có thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu khẩu hiệu.

Tin cùng chuyên mục