Đổi mới… từng năm
Cuối năm 2019, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ phương án và lộ trình đổi mới phương thức thi, đề thi, tổ chức thi, đánh giá… hướng đến mục tiêu công bằng, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh từ năm 2021-2025. Về phương thức thi, Bộ GD-ĐT khẳng định, cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đặc biệt có thêm phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Với phương thức mới này, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Về đề thi, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu học sinh có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia...
Lý giải về cơ sở thực hiện phương án trên, Bộ GD-ĐT cho rằng, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập niên trên thế giới, với các tổ chức khảo thí độc lập có uy tính như ETS, ACT… Trong khi đó, tại cuộc họp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tháng 9-2020, Bộ GD-ĐT đề xuất lộ trình như sau: Từ năm 2022, tổ chức thi tốt nghiệp THPT cơ bản như năm 2020 và từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương; từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới; từ năm 2025, với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
Về xét công nhận tốt nghiệp THPT, chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn về tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cho rằng, thực hiện lộ trình đổi mới từng bước để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, tránh gây xáo trộn lớn, đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định; tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; công bằng giữa các thí sinh; xã hội giám sát; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH liên kết để tổ chức các kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực và sử dụng chung kết quả để tuyển sinh; từng bước hình thành các tổ chức khảo thí liên kết hoặc độc lập, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi gây áp lực và lãng phí.
Một thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết, đến nay, những kịch bản đổi mới thi và tuyển sinh ĐH, CĐ chưa chính thức trở thành văn bản để công bố cho toàn xã hội và các chuyên gia tham gia đóng góp và xây dựng. Dường như Bộ GD-ĐT vẫn giữ cách làm cũ, vẫn làm “chiến lược” theo kiểu từng năm. |
Phải công bố lộ trình đổi mới
Từ năm 2018, theo khuyến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc về những thành công, những hạn chế của thi THPT và chuẩn bị tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu từ năm 2024). Về kỳ thi THPT các năm tiếp theo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT phải công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT để xã hội được biết; nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, chuyên nghiệp.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2016-2021 cho rằng, các phương án mà Bộ GD-ĐT thông tin có rất nhiều điểm cần phải được nghiên cứu kỹ hơn để có kế hoạch và hướng áp dụng sao cho hiệu quả, tránh cách làm chắp vá theo kiểu từng năm. Đơn cử như làm rõ việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục mới (tháng 7-2020 có hiệu lực) có giá trị như thế nào đối với người nhận, học sinh không muốn thi tốt nghiệp và giá trị pháp lý sẽ được quy định sao để người học có thể học liên thông, sử dụng khi đăng ký học nghề, tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Còn theo Th.S Phùng Quán, nguyên Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), muốn thi trên máy tính do các trung tâm khảo thí cấp quốc gia tổ chức cần có chuyên gia khảo thí, phải có hạ tầng đồng bộ và đủ mạnh (hệ thống máy tính - mạng - phần mềm - hệ thống bảo mật). Đặc biệt là xây dựng ngân hàng đề thi như thế nào, nếu địa phương làm có làm nổi không (!?). Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ và đồng bộ thì sẽ rất khó thực hiện.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là việc mang tầm quốc gia, nhưng những phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi, phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa. Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian rất ngắn nên rất khó mà thực hiện để Bộ GD-ĐT hay các địa phương xây dựng ngân hàng đề thi, chuẩn bị hạ tầng công nghệ cho việc thi trên máy tính. Còn các trung tâm khảo thí độc lập tầm quốc gia thì vẫn chưa được thành lập.
“Bộ GD-ĐT phải công bố (bằng văn bản) về một bản kế hoạch cụ thể về đổi mới thi cử, tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong đó phải đánh giá, nhìn nhận những ưu khuyết điểm trong những lần đổi mới vừa qua và có tính kế thừa. Khi đó, từng giải pháp, từng kế hoạch sẽ được các chuyên gia giáo dục, xã hội tham gia đóng góp ý kiến để cùng thực hiện. Còn với cách làm mỗi năm mỗi công bố, điều chỉnh, chắp vá như hiện nay thì mục tiêu đổi mới sẽ rất khó”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh.
Cô NGUYỄN THỊ BẢO LINH, giáo viên dạy môn Địa lý: Thi đại học mỗi năm mỗi khácNăm 2000, sau khi thi tốt nghiệp THPT, tôi và một số bạn trong lớp tức tốc khăn gói xuống TPHCM để đăng ký luyện thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Mới chân ướt chân ráo, chúng tôi bị kẻ gian móc túi và mất hết xe đạp. Chúng tôi luyện thi và đăng ký thi 2 trường. Tôi bị rớt năm đầu và năm sau tiếp tục luyện thi, đến năm thứ 2 mới đậu vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Nghĩ lại cảnh luyện thi, ở trọ để thi ĐH thời kỳ đó thật sự rất vất vả và căng thẳng. Còn bây giờ, các em chỉ thi 1 kỳ thi để xét tốt nghiệp và xét đại học thật nhẹ nhàng. NGÔ XUÂN HIẾU, sinh viên năm 4 ngành Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Phải đảm bảo học thật, thi thậtEm tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, không phải đi thi ĐH như các anh chị thời trước nên cũng đỡ tốn kém. Tuy nhiên, kỳ thi năm đó có nhiều thông tin nghi vấn về gian lận điểm thi nên em không thể đậu vào các trường đại học lớn. Em biết thông tin gian lận thi cử qua mạng xã hội và trên báo chí. Thi cử có tính cạnh tranh nhưng nếu gian lận để có kết quả điểm thi cao, không trung thực thì không thể chấp nhận, thậm chí gây mất niềm tin cho những người học thật, thi thật. |