Có vô vàn góp ý về công tác đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào đại học (ĐH) nhưng tình hình vẫn chưa hề lắng dịu, thậm chí còn kịch phát sau vụ dùng xe cứu thương để chạy đăng ký nguyện vọng và bùng lên chuyện gian lận nâng điểm vô tội vạ cho thí sinh ở một số địa phương.
Có thể nói, nguyên nhân chưa giải được vấn nạn tiêu cực thi cử trong giáo dục là từ “căn bệnh thành tích” của ngành giáo dục, cùng sự thiếu trung thực diễn ra ở việc đo lường và đánh giá năng lực của người học còn thiếu khách quan. Hiện tượng ngồi nhầm lớp, thiếu nghiêm túc trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương, chuyện mua bán điểm, học thêm - dạy thêm tràn lan, cứ diễn ra mãi thành quen, như là chuyện bình thường. Đã có thời gian, ngành giáo dục quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử rất quyết liệt, và bộ mặt thật của giáo dục phổ thông mới lộ ra với tỷ lệ tốt nghiệp thấp giật mình. Nhưng nói thẳng là những năm gần đây, quyết tâm đổi mới thi cử đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của khá nhiều địa phương vì ảnh hưởng xấu đến thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc tuyển sinh vào ĐH, từ sáng kiến bộ đề mẫu, tổ chức thi tại trường, việc luyện thi vào ĐH trở thành ngành kinh tế béo bở. Rồi tiến đến “3 chung - chung đợt, chung đề, chung kết quả” thực hiện được một số năm, thì chiếc áo tỏ ra quá chật, do tính thiếu linh hoạt mềm dẻo của việc lựa chọn môn thi phù hợp ngành đào tạo cũng như hạn chế quyền tự chủ của trường ĐH. Đến năm 2015, thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay năm nào cũng có vấn đề. Hết vỡ trận công bố điểm đến thay đổi đăng ký nguyện vọng làm thí sinh ảo quá lớn khiến đăng ký nguyện vọng như chơi “chứng khoán” may rủi, thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH. Tuy nhiên, từ khi các địa phương giành quyền tổ chức coi thi, chấm thi… đã thấy được nguy cơ và mầm mống gian lận, nhưng rất tiếc những cảnh báo của các chuyên gia không được cơ quan quản lý giáo dục cầu thị. Và hậu quả là đến năm 2018, việc gian lận khủng khiếp đã bùng phát với cường độ, sự táo tợn lớn chưa từng có trong lịch sử thi cử của cả nước.
Ngoài nguyên nhân thiếu trung thực trong giáo dục, cũng phải nói đến nguyên nhân hàng đầu là cơ quan thiết kế chính sách thi cử chưa có nghiên cứu bài bản để xây dựng chính sách, chiến lược và kế hoạch thi cử dài hơi hơn. Cục Khảo thí và Kiểm định (nay là Cục Quản lý chất lượng) được thành lập từ đầu những năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa có được “kho” các chuyên gia khảo thí và định hướng tổ chức một cơ quan khảo thí độc lập. Ngay cả các đề án gửi giảng viên đi nước ngoài có lẽ cũng ít chú ý đến việc đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Vì thế, những chính sách và kỹ thuật khảo thí độc lập vẫn còn bỏ ngỏ. Phổ điểm kết quả thi trắc nghiệm cho thấy các đề thi chưa đảm bảo được yêu cầu của một đề trắc nghiệm, các đề thi chưa được thử nghiệm, chuẩn hóa trên một phổ đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy của đề thi. Đề thi chưa chuẩn nên cơ quan quản lý cũng không biết (hoặc không thiết dùng kết quả trắc nghiệm để phân tích chính sách phát triển giáo dục ở các vùng miền khác nhau, còn đầu tư và ràng buộc trách nhiệm địa phương đối với chất lượng giáo dục của mình).
Để tháo gỡ bài toán thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào ĐH, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chính sách hình thành các trung tâm khảo thí độc lập. Trong bối cảnh dân số đông, xu hướng phân cấp cho địa phương và tự chủ giáo dục ĐH, nên giao cho địa phương tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chuẩn. Địa phương chịu trách nhiệm chính đảm bảo chất lượng giáo dục, còn trường ĐH có thể lấy kết quả của kỳ thi ấy hoặc tổ chức riêng theo đề thi chuẩn và kết hợp với hình thức tuyển khác cho phù hợp ngành học. Hiện đang có khuynh hướng một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực, nhưng dư luận băn khoăn về chiêu thức thu hút thí sinh vào học bằng mọi giá. Bộ GD-ĐT cũng cần kiểm soát chỗ này. Để có một ngân hàng đề thi chuẩn rất cần thời gian từ 3 - 5 năm với đội ngũ chuyên gia khảo thí được đào tạo tốt, chứ không thể thử nghiệm chuẩn hóa đề trên quy mô hẹp, sau lại lấy đề đó ra thi chính thức, thì rất dễ bị lộ.
Việc đổi mới kỳ thi ĐH rất khó giải quyết được vấn đề của chính nó mà rất cần sự tham gia của toàn xã hội, và đặc biệt có giải pháp kiểm soát chất lượng thi kiểm tra đánh giá ở trường ĐH để sàng lọc có hiệu quả những thí sinh không đủ năng lực học tập, chuyển sang học nghề sớm hơn. Việc tuyển sinh của các trường nếu bị tác động bởi chuyện “cơm áo, gạo tiền” cho nhà trường càng đẩy Bộ GD-ĐT đứng trước thách thức về đổi mới tuyển sinh và trách nhiệm chính trị của chất lượng nguồn nhân lực ĐH. Vì thế, bộ cần đề xuất các sáng kiến mang tính đồng bộ và hệ thống về cơ chế đảm bảo môi trường giáo dục ĐH trong sạch, không có chuyện mua bằng bán điểm, và Bộ GD-ĐT phải là cơ quan “sạch” đầu tiên.