Nhiều trở ngại
Mỗi năm, đến mùa tuyển sinh lớp 10, nhiều gia đình lại lo âu, mất ăn mất ngủ. Học sinh ngay từ các lớp 7, 8, 9 đã lo học thêm để luyện thi vào lớp 10 công lập... Tình hình căng thẳng thi vào lớp 10 ở các thành phố lớn dường như vẫn chưa thể giải quyết trong năm học tới, và câu chuyện học thêm vẫn chưa có hồi kết.
Nhìn qua các quốc gia phát triển trên thế giới thuộc châu Âu hay Hoa Kỳ, chúng ta hầu như không thấy những vấn đề nêu trên như ở Việt Nam. Tìm hiểu thêm cho thấy, học sinh sau THCS có rất nhiều con đường học tập nhờ đa dạng hóa mô hình trường trung học. Đều là trường trung học nhưng có thể có trung học phổ thông (THPT) bình thường, trung học nghề (vocational high school), trung học kỹ thuật (technical high school), trường bán công (ở Hoa Kỳ là charter school)...
Thế nhưng ở Việt Nam, sau lớp 9 chỉ có hai mô hình là THPT và trung cấp nghề. Đặc biệt là sự phân biệt hai loại văn bằng này (THPT và trung cấp nghề) để tuyển vào đại học và tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp lại gặp nhiều cản trở, khiến cho trung cấp nghề kém hấp dẫn. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thể chế hóa việc thu hút học sinh sau lớp 9 vào học trung cấp nghề chỉ từ 1 đến 2 năm là có bằng trung cấp, cũng như tốt nghiệp cao đẳng nghề thì gọi là “kỹ sư thực hành” có thể nói là không giống ai trên thế giới này, và là sự bóp méo quy luật sư phạm cũng như đòi hỏi của thị trường lao động.
Những vấn đề nên tháo gỡ
Mấu chốt của việc đáp ứng nhu cầu của người dân là hầu hết các gia đình đều muốn cho con có được bằng tốt nghiệp THPT và nếu có kỹ năng nghề thì tốt hơn, ngoại trừ một số gia đình không có điều kiện cho con em đi học hoặc các em không có khả năng để theo học ở các cơ sở giáo dục THPT. Khi không có sự phân biệt giữa THPT và trung cấp nghề, đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới, thì điều kiện phân luồng sẽ dễ dàng hơn do hình thành các trường trung học nghề và trung học kỹ thuật (theo Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hình thành trường THPT kỹ thuật). Quốc hội đã nhìn ra vấn đề và điểm mấu chốt cần đa dạng hóa mô hình trường trung học sau lớp 9, tên gọi văn bằng chỉ một mức trình độ là trung học. Kinh nghiệm cho thấy, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) những thập niên 1970, 1980 ở thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, lực lượng lao động trình độ trung học có vai trò then chốt. Đã tốt nghiệp sau trung học thì người học có thể học các lớp đào tạo kỹ năng nghề sau trung học hoặc vào học cao đẳng, không còn cái gọi là tuyển học sinh trung cấp từ người đã tốt nghiệp trung học như hai thập niên qua.
Một vấn đề dai dẳng như đã nêu trên về áp lực thi vào THPT công lập ở các thành phố lớn có thể sẽ giảm bớt nhờ dòng chảy sau lớp 9 được mở rộng hơn và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh đất nước còn dành nguồn lực cho các mục tiêu phát triển, đất đai dành xây trường hạn chế, trường trung học tư thục thì học phí cao..., chủ trương xã hội hóa cần được khai thác triệt để theo phương châm huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho giáo dục.
Hiện tại, khá nhiều trường đại học, cao đẳng địa phương sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào và đang rất khó khăn trong tuyển sinh, trong khi nguồn lực thầy cô và đất đai đang có thừa. Vì sao không để các trường này được mở các trường trung học hoặc các lớp học dạy chương trình THPT (nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT) ngay tại trường để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và có thêm kinh phí để lấy ngắn nuôi dài và tạo nguồn trong tuyển sinh đại học, cao đẳng? Hiện tại, các mô hình trường trung học ở một số trường đại học sư phạm tuyển sinh rất tốt. Mới đây, FPT đã mở ra hệ thống các trường phổ thông ở Thanh Hóa, nên được coi là sáng kiến đột phá đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Để tránh gây ra sự quản lý chồng chéo, khó kiểm soát, cần có giải pháp quản lý một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương mà không chia cắt về giáo dục - đào tạo như hiện nay giao cho hai bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH). Ngay cả những doanh nghiệp có điều kiện cũng nên được cho phép mở các trường trung học (THPT, trung học kỹ thuật, trung học nghề) như Hàn Quốc đang làm.
Thiết nghĩ, muốn đổi mới giáo dục thúc đẩy phân luồng và giảm sức ép học thêm, sức ép của kỳ thi vào lớp 10, Chính phủ và các nhà quản lý giáo dục nên mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và đa dạng hóa trường trung học, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Không vì khó khăn trong câu chuyện quản lý nhà nước trùng lắp, “sân anh, sân tôi” mà không đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, khiến người dân không hài lòng với chính sách. Nếu không có sự mạnh dạn đổi mới thể chế mà vẫn luẩn quẩn giải bài toán này thì bài toán khác sẽ xuất hiện trong hệ thống, khi mà quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo vẫn phân tán cho hai bộ điều hành, vừa không đáp ứng nhu cầu phân luồng, vừa kém hiệu quả, thất thoát nguồn lực lại vừa không quán triệt nguyên tắc xã hội hóa của Đảng và Nhà nước cho giáo dục đào tạo.