Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố báo cáo về xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, nền kinh tế. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vị trí xếp hạng của Việt Nam trong GII 2021, cùng những vấn đề liên quan.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy PHÓNG VIÊN: So với năm 2020, vị trí của Việt Nam trong GII 2021 giảm 2 bậc, từ 42 xuống 44. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Thứ trưởng BÙI THẾ DUY: Ngoài vị trí xếp hạng, báo cáo GII còn công bố khoảng tin cậy của thứ hạng để làm căn cứ khi so sánh giữa các thứ hạng gần nhau. Năm 2021, WIPO công bố thứ hạng của Việt Nam là 44 và công bố khoảng tin cậy của thứ hạng này trong khoảng 42 đến 47.
Năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 đến 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy, thứ hạng GII của Việt Nam 2021 và 2020 tương đương nhau. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Các chuyên gia WIPO đều cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Báo cáo GII cùng những chỉ số liên quan hàng năm có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Đây là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST quốc gia có uy tín trên thế giới do phản ánh đầy đủ, phong phú về ĐMST. Vì lý do này mà GII hiện được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về KH-CN và ĐMST, cũng như để xây dựng các chính sách liên quan. Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này và Bộ KH-CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam giữ vững được vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp những năm qua.
Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước. Theo đánh giá của WIPO, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước cùng nhóm thu nhập. Trong hơn 10 năm gần đây, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình. Điều đó cho thấy hiệu quả của Việt Nam trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Báo cáo GII 2021 đã nêu rõ: Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện ĐMST toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về ĐMST.
Dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã ảnh hưởng ra sao đến vấn đề ĐMST, thưa ông?
Do tác động từ dịch Covid-19, các hoạt động ĐMST ở Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, WIPO đánh giá đầu tư cho KH-CN, ĐMST vẫn được duy trì suốt 2 năm vừa qua và đó là một hướng đi bền vững cho thế giới cũng như Việt Nam để chống chọi dịch. Điều này thể hiện qua các kết quả nghiên cứu phát triển của Việt Nam đầu tư cho ĐMST trong nhiều năm qua và kịp thời đưa vào ứng phó với đại dịch Covid-19 như bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sử dụng. Việt Nam cũng phát triển robot tự hành, máy tạo oxy dòng cao, chế tạo vaccine Nano Covax… Tất cả yếu tố liên quan đến KH-CN và ĐMST trong ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh cũng phần nào thể hiện trong chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021.
Chúng ta phải làm gì để cải thiện vị trí xếp hạng trong báo cáo GII hàng năm?
Để nâng cao kết quả ĐMST một cách bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài, có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị mà trọng tâm là đưa hệ thống ĐMST quốc gia lên một tầm mức phát triển mới, trong đó KH-CN và ĐMST thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Vai trò điều phối, quản lý nhà nước của Chính phủ cần phải được tiếp tục nâng lên một tầm mức hoàn toàn mới.
Tôi cho rằng, trước hết, chúng ta phải tập trung đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thuộc trụ cột thể chế. Năng lực hoạch định, thực thi chính sách, đánh giá kịp thời điều chỉnh chính sách cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh khó đoán của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những biến động khách quan như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Cùng với đó là vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải cách mô hình hoạt động, tăng kinh phí cho các hoạt động KH-CN và ĐMST… Đặc biệt là cần tiếp tục nâng cao năng lực học hỏi công nghệ, hấp thụ tri thức, cả tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, của các cơ quan và công chức, viên chức nhà nước; phát huy khai thác tốt hơn hoạt động đầu tư nước ngoài, các hiệp định thương mại song phương và đa phương; gây dựng cộng đồng doanh nghiệp năng động, có khả năng học hỏi và ĐMST.
TRẦN LƯU thực hiện