Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Nga, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hợp điểm, Nhà nước cần có thêm chính sách, biện pháp quản lý du học sinh sau khi các em rời Việt Nam để đáp ứng hài hòa nhu cầu của chính các em, gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo đó, cần mở rộng khái niệm quản lý và chăm sóc du học sinh với nhiều hoạt động như: hỗ trợ các hội sinh viên Việt Nam, cộng đồng sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; có kế hoạch khen thưởng, động viên du học sinh; tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa du học sinh và cựu du học sinh... Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm khuyến khích du học sinh trở về phục vụ đất nước bằng nhiều hình thức.
Ở góc độ khác, bà Hoàng Thị Thái Hà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, thông tin, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, công ty dịch vụ tư vấn du học cần nghiên cứu, triển khai các ứng dụng quản lý hồ sơ thông minh, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, tìm kiếm khóa học phù hợp, theo dõi tiến độ nộp đơn xin nhập học và kết nối với du học sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với công cụ quản lý này, người học tiết kiệm được nhiều thời gian, nâng cao hiệu quả kết nối với các trường đại học so với cách nộp hồ sơ giấy truyền thống.
Nhằm giảm thiểu các vụ việc ảnh hưởng quyền lợi người học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, kết hợp đồng thời với các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh.
Đặc biệt, trong bối cảnh các đơn vị tư vấn du học phát triển nhanh chóng về số lượng và phạm vi hoạt động, cần giải pháp quản lý linh hoạt hơn trong thực tế để đảm bảo quyền lợi cho người học.