Thách thức kiểm soát an toàn thực phẩm
Một số tổ chức quốc tế dự báo, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ vào sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn - bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế và thương mại năm 2018 dự báo cao hơn năm 2017, tạo tiền đề thuận lợi hơn phát triển kinh tế và xuất khẩu.
Ngoài ra, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân cũng giúp tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại của Việt Nam.
Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), viễn cảnh chung các nước đang phát triển khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ duy trì ở mức tích cực trong vòng 3 năm tới nhờ cầu nội địa mạnh, kinh tế toàn cầu dần hồi phục và giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng trở lại.
Riêng đối với Việt Nam, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo trong tăng trưởng kinh tế cũng gặp một số thách thức về chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động. Các cân đối của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng.
Trong khi đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) tuy mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam, nhưng các ngành sản xuất trong nước cũng được dự báo chịu nhiều tác động tiêu cực nếu không có các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết khi thực thi các FTA, hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ. Song, khả năng tận dụng ưu đãi về thuế quan lại phụ thuộc chủ yếu vào việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cũng như các hàng rào kỹ thuật như an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ...
Mặt khác, cơ chế thị trường hàng hóa vận hành chưa thật sự hiệu quả. Đối với sản xuất nông nghiệp, nông dân không tự quyết định giá bán sản phẩm mà do các thương nhân định đoạt. Điều này dẫn đến tình trạng người tiêu dùng phải mua hàng hóa với giá cao, trong khi người sản xuất bán hàng hóa với giá thấp do chi phí trung gian cao.
Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, công tác quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa kinh doanh còn hạn chế đối với các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến như rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản… Vẫn còn tình trạng giết mổ trái phép gia cầm sống trong chợ. Đặc biệt, tại các chợ tự phát, không thể kiểm soát được điều kiện an toàn thực phẩm.
Chuyển đổi mô hình hỗ trợ
Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam. Yêu cầu duy trì thực hiện tốt phần mềm quản lý văn bản cùng với việc áp dụng chữ ký số trong phát hành văn bản là vấn đề cấp thiết. Đồng thời, công tác cải cách hành chính cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại TPHCM, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đang được đẩy mạnh cùng với việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển... đang tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, công tác cải cách hành chính được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch và kiểm soát công việc theo quy trình; thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở Công thương đã góp phần nâng cao năng lực điều hành và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có hơn 60.000 lượt người đến Sở Công thương TPHCM để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công liên quan đến ngành công thương. Mỗi ngày, có hàng trăm doanh nghiệp đến đơn vị nhận và trả hồ sơ. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay ngay từ đầu năm 2018, sở đã chính thức đưa vào vận hành 55 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 4) trong tổng số 107 thủ tục.
Trong đó, doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng có thể vào webssite của sở đăng ký tài khoản, nhận mã, thực hiện các bước hướng dẫn… Song song đó, Sở Công thương TPHCM cũng xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu, bên cạnh các tiêu chí mang tính định hướng về địa điểm thành lập siêu thị, trung tâm thương mại. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại; tạo điều kiện và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển và giữ vững vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh.
Để triển khai các chương trình hành động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Phạm Thành Kiên, cho hay Sở Công thương TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp đổi mới phương thức tiếp xúc và phục vụ người dân, doanh nghiệp; trong đó, “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm”. Điển hình, nếu trước đây doanh nghiệp khi cần phải trực tiếp đến Sở Công thương, nhưng năm 2017, ban lãnh đạo và nhiều phòng ban của sở đã chủ động thực hiện quy trình tìm đến với người dân, doanh nghiệp.
Tính đến nay, ngành công thương thành phố đã tiếp cận trực tiếp hơn 320 doanh nghiệp, ghi nhận 116 nhóm vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này phát triển.