Thế nhưng, chỉ hơn 2 năm thực hiện các chương trình, nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng với những kế hoạch, giải pháp sáng tạo từ thực tế, cộng với sự đồng thuận, nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, 2 địa phương trên đã đạt được hiệu quả cao trên nhiều mặt, trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và phường đô thị văn minh của TP Cần Thơ.
Đảng viên làm trước
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Thuận Nguyễn Hữu Đạt cử cán bộ đưa chúng tôi về ấp Đông Hiển A gặp anh Dương Văn Sóc (Hai Sóc), một đảng viên đi đầu trong thực hiện kế hoạch chuyên đề của Đảng ủy xã về cải tạo vườn tạp, đưa cây có múi chất lượng cao vào trồng chuyên canh. Đây là kế hoạch đầu tiên của xã thực hiện theo nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ, và cả 11 đảng viên chi bộ ấp Đông Hiển A của anh Hai Sóc đứng ra làm trước, cho ra kết quả vượt trội, trở thành mô hình mẫu để người dân trong ấp làm theo.
Gặp chúng tôi, anh Hai Sóc hồ hởi nói: “Mới hái được đợt nhãn, thu gần 100 triệu đồng. Giờ tranh thủ lúc mé cành, tỉa nhánh chờ ra hoa đợt tiếp trồng vụ rau đậu thu mỗi công đất gần 20 triệu đồng. Hết khu vườn này chưa tới 5 công, dưới xẻ mương nuôi cá mè, tai tượng, trên trồng nhãn, hoa màu xoay vòng 1 năm vài vụ cho thu nhập gần 600 triệu đồng. Khu đất 6 công bên kia cũng vừa lên liếp nuôi cá, trồng nhãn”. Theo anh Hai Sóc, nhiều năm trước người dân trong vùng chỉ biết trồng lúa, năng suất thấp, giá trị không cao. Từ 2 năm nay, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cây trồng vật nuôi giá trị cao, 100% đảng viên trong chi bộ làm trước, vài vụ thấy ai cũng khá lên, bà con ùn ùn làm theo. “Chi bộ có đồng chí Trang, đồng chí Toàn, đồng chí Hùng… vừa mở thêm diện tích trồng nhãn, nuôi cá, rồi đi vận động 6 hộ còn lại trong ấp làm theo. Họp chi bộ kỳ nào cũng đều đưa chuyện trồng nhãn, nuôi cá ra bàn, phân công nhau đi vận động, giúp dân làm ăn. Thấy hiệu quả, bà con mình mừng lắm…”.
Cũng theo anh Hai Sóc, kỳ họp chi bộ tháng trước triển khai thêm mô hình bưởi, mít, sầu riêng, chanh không hạt. “Rồi đầu ra không có thì sao anh?”, chúng tôi hỏi. “Cây trồng, vật nuôi trong xã đều áp dụng theo VietGAP và GlobalGAP có truy suất, bảo đảm các tiêu chuẩn nên được bao tiêu đầu ra với giá cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, không lo gì từ khâu giá, thu hoạch, vận chuyển…”, anh Hai Sóc nói.
Đến ấp Đông Hòa, chúng tôi gặp đảng viên Nguyễn Châu Âu đang chăm sóc vườn nhãn hơn 6 công. “Chi bộ tôi có 22 đảng viên, tất cả đều gắn bó với đồng ruộng chuyên canh các loại cây trồng theo nghị quyết của chi bộ ấp về kinh tế hộ gia đình. Trước kia, một công lúa mỗi năm thu về chưa đến chục triệu đồng. Giờ trồng thanh nhãn, mỗi ký lái vô cắt mua 70.000 đồng. 350 gốc nhãn, ước mỗi năm thu vài trăm triệu đồng, chưa kể xen canh thêm bầu, bí đao kiếm cũng vài chục triệu đồng nữa”, anh Âu vui vẻ nói.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Đạt, Nghị quyết 06 của Huyện ủy Thới Lai về chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi giá trị cao giao mỗi xã phải có một thương hiệu nông sản chất lượng cao. Qua 3 năm triển khai, tới nay xã Đông Thuận có 11 thương hiệu nông sản, mỗi ấp là một thương hiệu chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt là thương hiệu gạo sạch Thới Lai hiện có giá gần 6.000 đồng/kg lúa. Các thương hiệu khác như: bưởi da xanh Đông Thạnh, thanh long ruột đỏ Đông Thành, thanh nhãn Đông Hòa… đều có năng suất, giá trị cao được bao tiêu trong nước và xuất khẩu. Đảng bộ có hơn 300 đảng viên, gia đình đảng viên nào cũng có vài công đất nuôi trồng các sản phẩm thương hiệu chất lượng cao, kéo theo người dân trong xã làm nông nghiệp chất lượng cao. Nhờ đó, như Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hữu Đạt nói, cả xã Đông Thuận hiện nay nhà nào cũng khá giả, thu nhập đầu người trên tổng số dân 10.000 người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm (3 năm trước chỉ hơn 30 triệu đồng/người/năm), xã không còn hộ nghèo.
Chi bộ Đảng bao tiêu sản phẩm
Trưởng ban công tác MTTQ khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa (quận Ô Môn) Huỳnh Văn Long dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa phía sau nhà, nhẩm tính: “Còn 1 tháng 25 ngày nữa là thu hoạch. Vụ này 1 công thu chừng 9 tạ thóc, giá lúa cầm chắc 6.000 đồng/kg. 2,6ha thu mỗi vụ được hơn 23 tấn lúa, mỗi năm 3 vụ cũng được gần 70 tấn. Một năm làm 3 vụ, trừ chi phí cho thu nhập hơn 300 triệu đồng, sống khỏe. Trước cũng làm lúa nhưng theo tập quán cũ năng suất, giá trị thấp lắm. Giờ làm theo giống mới, kỹ thuật mới cho giá trị cao gấp hơn 10 lần”.
Theo ông Long, 2 năm trở lại đây, nhờ có nghị quyết của Quận ủy Ô Môn về phát triển giống lúa đạt năng suất cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân Thới Hòa chuyển hướng sản xuất chuyên canh lúa cho giá trị lớn. Chỉ tay sang Bí thư chi bộ khu vực Hòa An B Dương Hoàng Vinh, ông Long nói: “Được vậy là nhờ anh em chi bộ Đảng đấy. Giống lúa chất lượng cao, rồi kỹ thuật chăm sóc được chi bộ Đảng kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL mời cán bộ về tận cánh đồng hướng dẫn cho bà con. Thu hoạch, tiêu thụ cũng anh em ở chi bộ kêu lái đến lo hết. Nông dân như tụi tui tới kỳ thu hoạch chỉ có đứng trên bờ đếm bao, cân ký tính tiền thôi, khỏe lắm không phải lo gì”. Bí thư chi bộ Dương Hoàng Vinh nói thêm: “Ông Long năm nay 70 tuổi rồi đó. Con cháu lên thành phố hết, ở nhà còn hai ông bà làm mấy mẫu lúa vậy mà khỏe re. Ổng mấy chục năm làm công tác mặt trận và các công tác của chi bộ, giao gì hoàn thành đó. Nhờ ổng đi vận động bà con ở đây thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy địa phương, hiệu quả lắm…”.
Đến khu vực Hòa Thạnh B, chúng tôi gặp đảng viên trẻ Nguyễn Hồng Khương với mô hình nuôi ốc bươu đen giống xuất khẩu. Dẫn chúng tôi ra khu đất hơn 3.000m2 được xẻ thành mương phía trên trồng bông súng, phía dưới đặt các thùng xốp nuôi ốc giống, anh Khương nói: “Giá ốc giống hiện thời bán theo giá sỉ là 350 đồng/con. Mỗi tháng xuất trên 500.000 con được gần 200 triệu đồng. Giống này không cần cho ăn gì hết, chỉ thả bông súng với bèo vào thôi, ngày nào cũng xuất đi hơn chục ngàn con”. Loại ốc bươu giống mà đảng viên trẻ Hồng Khương nuôi thí điểm hơn 2 năm qua do 2 doanh nghiệp Hàn Quốc hướng dẫn kỹ thuật nuôi và ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan cung cấp cho các cơ sở nuôi thành ốc thịt bán cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản. Được chi bộ giao làm thí điểm mô hình, anh Khương mất cả năm trời đi thuyết phục người dân làm theo. “Đi đến đâu nói cũng không ai tin. Sau tui phải mời vài hộ hàng ngày tới nhà coi làm, rồi chỉ cách cho ăn, tách trứng, rải bông súng, lục bình, che mưa nắng, thu hoạch đếm con giao lái đến lấy. Chỉ riết, nay có mấy hộ làm rồi, cho thu nhập khá, mừng lắm”, anh Khương vui vẻ nói.
Phía trước cổng nhà đảng viên trẻ Nguyễn Hồng Khương là tấm bảng hiệu ghi rõ dòng chữ: Trại ốc Mười Khương, cung cấp con giống, thu mua bao tiêu đầu ra sản phẩm, tư vấn chọn giống, tư vấn kỹ thuật nuôi, tư vấn xây dựng ao hồ, chuồng trại. Hàng ngày, người dân trong khu vực Hòa Thạnh B và phường Thới Hòa tìm về Trại ốc Mười Khương học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ những con ốc nhỏ giá trị cao. Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Thới Hòa Hồ Thị Kim Loan, đảng viên trẻ Hồng Khương và hơn 300 đảng viên của Đảng bộ là những chiến sĩ tiên phong trong thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp theo nghị quyết, chương trình của các cấp ủy Đảng. Gia đình đảng viên nào cũng giàu có, khá giả, trở thành động lực thu hút người dân học tập, làm theo và làm giàu trên thửa đất của mình.