Trong đó, điển hình là những câu chuyện đề cập dưới đây tại 2 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hậu Giang và Đồng Nai, cho thấy chỉ có gần dân, Đảng mới đi vào được trong dân, mới củng cố niềm tin với nhân dân.
“Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng qua của xã chúng ta, kính mời bà con mình cho ý kiến”, đồng chí Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) vừa dứt lời, ông Trần Văn Ca đứng lên đề nghị: “Cấp trên xem lại tình hình sạt lở trên địa bàn khi mùa mưa lũ sắp tới”. Ông Dương Chí tiếp lời: “Ấp Phước Tân kiến nghị tình hình sửa lộ giao thông để người dân đi lại dễ dàng”. Bà Lê Thị Ấu nói thêm: “Nhiều con lộ trong ấp chậm được sửa chữa, ảnh hưởng việc đi lại của dân”… Thay mặt lãnh đạo xã, Chủ tịch Nguyễn Thanh Việt phát biểu tóm lược các ý kiến phản ánh, thông qua biên bản kết thúc cuộc họp.
Đó là nội dung cuộc họp “Ngày thứ sáu nghe dân nói” diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ 15 ngày 26-6-2020 tại ấp Phước Tân. “Đấy là cuộc họp ngày thứ sáu cuối tháng 6, còn cuộc ngày thứ sáu cuối tháng 5 đây anh”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Việt giới thiệu. Biên bản mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của tháng 5 mà anh đưa chúng tôi xem diễn ra lúc 13 giờ 30 ngày 29-5-2020 tại ấp Phước Hòa. Nội dung góp ý của người dân ngoài chuyện đường sá đi lại, vệ sinh môi trường, chăm lo các hộ dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thủ tục hành chính, còn có góp ý cho Nghị quyết của Đảng ủy xã quý 2-2020 cần tập trung những vấn đề trọng tâm nào. Thành phần tham dự các cuộc họp “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ngoài lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể trong xã, ấp còn có đại diện UBMTTQ huyện Châu Thành. “Tính ra, mô hình này được thực hiện hơn 5 năm rồi đó anh. Cuộc họp tới là lần thứ 61. Xã có 10 ấp, nhiều ấp đã quay 9, 10 vòng họp tiếp xúc với dân”. Nói rồi, anh Nguyễn Thanh Việt cử cán bộ MTTQ xã Nguyễn Quốc Việt đưa chúng tôi xuống các ấp, xem những phản ánh, kiến nghị của nhân dân tại các cuộc họp trước được thực hiện tới đâu.
Đến đầu cầu Kênh Nhỏ, chúng tôi gặp ông Trần Văn Cun, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phước Tân và các đảng viên trong ấp đang hội ý công tác đầu tuần. Ông Cun hồ hởi nói: “Cuộc họp tháng 4 năm ngoái dân kiến nghị sửa cầu Kênh Nhỏ này thì nay được làm mới nè anh. Trước kia cầu nhỏ lắm, có mấy vụ lọt sông. Khi dân kiến nghị một tiếng là xã chạy tìm nguồn kinh phí, rồi vận động người hiến đất, người góp công; 2 tháng sau là hoàn thành. Tuyến lộ bên kia kênh nối xã Đông Thạnh với Đông Phước A dài 2,7km, dân kiến nghị nhiều lần, nay cũng làm gần xong rồi”.
Tại ấp Phước Hòa A, chúng tôi gặp ông Lê Văn Mạnh - người có nhiều ý kiến hay trong các cuộc họp “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp. Ông Mạnh nói: “Tôi nhớ nhiều vụ việc dân góp ý là được chính quyền tiếp thu, sửa ngay. Như vụ bà Mai phản ánh chuyện bị cán bộ địa chính xã đòi “bồi dưỡng” hơn 1 triệu đồng. Xác minh đúng vậy, chính quyền xử lý ngay. Hay những vấn đề về thủ tục hành chính “một cửa” dân góp ý, các anh ở xã chỉnh đốn liền. Từ đó không có thưa gửi hay phản ứng gì. Gần đây, nghe dân bức xúc về tuyến lộ Ngọn Cá Đôi chưa làm, kiến nghị cái, được làm ngay. Dân hài lòng lắm, cái gì hổng chịu là nói liền. Còn nhiều chuyện khác nữa, dân hiến kế cho Đảng ủy, UBND xã; sau thành chủ trương làm rất kịp thời”.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Việt xác nhận với chúng tôi những câu chuyện trên: Xã Đông Phước A trước kia không được tỉnh, huyện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cả 10 ấp trong xã khi tổ chức các cuộc “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đều nghe dân chất vấn “Các xã trong huyện làm được, xã mình sao trên không cho làm?”. Đảng ủy tập hợp ý kiến, ra nghị quyết, gửi lên huyện quyết tâm thực hiện. Sau 2 năm, chúng tôi được công nhận xã nông thôn mới. Đại hội Đảng bộ xã vừa rồi đưa ra mục tiêu năm sau phải lên nông thôn mới nâng cao; cuối nhiệm kỳ lên nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hậu Giang.
Ngôi “nhà chung” của Đảng, chính quyền và nhân dân
Được đồng chí Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), giới thiệu, chúng tôi về xã Xuân Phú - địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và người theo đạo Công giáo. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Quý dẫn chúng tôi xuống ấp Bình Xuân 1 giới thiệu về mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu” được triển khai hơn 2 năm qua. “Ông Thuận có nhà không ạ?”. Nghe có tiếng người gọi, ông Thuận hồ hởi: “Chú Quý đấy à, vào nhà đi, ta bàn thêm việc hôm trước”.
Việc hôm trước chính là chuyện lắp đặt camera an ninh trong ấp mà người dân nhiều lần kiến nghị. Anh Nguyễn Xuân Quý giới thiệu: “Chú Thuận có gần 10 năm là Tổ trưởng Tổ nhân dân 3. Còn trong Giáo xứ Thái Thiện, chú là ông trùm giáo họ Vinh Sơn. Nhiều năm nay, căn nhà của chú trở thành “nhà chung” - nơi hội họp giáo dân trong giáo họ và địa chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong ấp đến chính quyền xã”. Ông Thuận bổ sung: Đảng ủy, UBND xã và đảng viên trong chi bộ ấp có triển khai công tác gì đều họp tại ngôi “nhà chung” này, có mời cả giáo dân đến dự nghe, có việc gì góp ý luôn.
Chủ trương của xã về việc xây dựng ấp Bình Xuân 1 thành “Khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu” bắt nguồn từ các cuộc họp của giáo họ Vinh Sơn tại nhà ông. Theo ông Thuận: Đầu tiên là gợi ý của cha sở Giáo xứ Thái Thiện mong muốn giáo dân trong xã có đời sống văn hóa, văn minh. Từ đó, chúng tôi đưa ra giáo họ bàn, rồi mời chính quyền xã, chi bộ ấp tới dự họp nghe, góp ý để cùng đưa ra các tiêu chí xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”. Cái nào dân tự làm, ấp tự quản, cái nào chính quyền hỗ trợ đầu tư… được định rõ. Khi đã thành nghị quyết của Đảng ủy xã rồi thì giáo họ chúng tôi kết hợp với 15 đảng viên của chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong ấp triển khai làm. Đầu tiên, từng hộ gia đình thực hiện các phần việc của nhà mình trước như: sửa sang nhà cửa khang trang, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh trước nhà, dạy dỗ con cháu ngoan hiền, lễ phép, không chơi bời lêu lổng, nói tục, nhậu nhẹt, cờ bạc bê tha…
Anh Nguyễn Ngọc Quý chở xe máy đưa chúng tôi đi một vòng ấp Bình Xuân 1 giới thiệu về các công trình, phần việc thuộc trách nhiệm của xã tham gia xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu” với ấp. Anh Quý nói: “Đường nông thôn coi như 100% bê tông hóa; xã đầu tư chủ yếu, còn lại người dân góp đất, góp công. Các bảng biểu, pano tuyên truyền, đèn chiếu sáng, camera an ninh do xã đầu tư. Ngay như trồng cây dọc hai bên các tuyến đường trong ấp, dân yêu cầu trồng cây hoàng yến, xã đầu tư kinh phí, về tận Long Khánh đặt giống. Còn trồng, chăm sóc và cắt tỉa cứ cây nào khu vực nhà nào thì nhà ấy lo.
Vào dịp cuối năm, hoa hoàng yến nở vàng rực khắp các tuyến đường, ngõ xóm trong ấp, nhà nhà ai nấy đều vui vẻ, hòa thuận, làng trên, xóm dưới yên vui, hạnh phúc”.
Mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu” của ấp Bình Xuân 1 hiện đã lan sang cả 10 ấp trong xã, tạo nét văn hóa đặc sắc của Xuân Phú - xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai. Mỗi ấp chọn một mô hình xây dựng xóm ấp, gia đình kiểu mẫu theo đặc thù và điều kiện của ấp mình. Trong đó, ấp nào cũng có ngôi “nhà chung” như tại nhà ông Thuận - nơi để Đảng, chính quyền và nhân dân thường xuyên gặp nhau, cùng chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.